Can đảm chứng minh mình đúng

03/09/2015 06:29 GMT+7

Chuyện thứ nhất lâu lâu rồi, liên quan đến kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT năm nay. Hai giám thị môn toán sáng 1.7 đã ký nhầm vào ô dành cho giám khảo trong giấy thi, rồi sau 150 phút làm bài họ mới phát hiện lỗi không đáng có này. Giám thị sợ bị kỷ luật nên đã đề nghị các thí sinh chép lại bài vào tờ giấy thi mới để ký lại. Một quyết định lạ lùng!

Chuyện thứ nhất lâu lâu rồi, liên quan đến kỳ thi quốc gia tốt nghiệp THPT năm nay. Hai giám thị môn toán sáng 1.7 đã ký nhầm vào ô dành cho giám khảo trong giấy thi, rồi sau 150 phút làm bài họ mới phát hiện lỗi không đáng có này. Giám thị sợ bị kỷ luật nên đã đề nghị các thí sinh chép lại bài vào tờ giấy thi mới để ký lại. Một quyết định lạ lùng!
Nhưng sự chấp thuận dễ dàng của nhiều thí sinh mới là lạ lùng hơn! Vài em cương quyết không chép lại bài, nhưng nhiều em còn lại chấp nhận. Kết quả của vụ này là các thí sinh phải dự thi lại môn toán.
Quả là không thể không nghĩ về sự khác biệt về hành xử của hai nhóm thí sinh trong trường hợp này? Theo dõi kỹ còn có điều đáng nghĩ nữa, đó là không phải chính các thí sinh tìm đến hội đồng thi để phản ánh vụ việc ngay sau khi thi, mà chỉ có một số phụ huynh tìm gặp hội đồng thi vào buổi thi sau đó. Sao không phải là chính các thí sinh liên quan thực hiện việc ấy?
Chuyện thứ hai là mới đây. Thí sinh Trần Văn Sâm cầm tấm bảng ra đường với những dòng viết tội nghiệp: “Thi được 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!”. Kết quả là Sâm được ĐH Y Dược Cần Thơ gọi nhập học sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo lên tiếng khi biết thông tin về vụ này lan truyền trên mạng xã hội. Mừng cho Sâm vì bạn ấy đã được nhập học. Nhưng chúng ta không thể không mong ước rằng, giá như bạn ấy can đảm chọn cách mạnh mẽ hơn để đối thoại với những người có trách nhiệm về trường hợp của mình.
Tôi thử đặt mình vào chính hai trường hợp ấy để suy nghĩ. Chắc chắn tôi sẽ không chọn cách thụ động chấp nhận dễ dàng như thế. Không thể giám thị thì làm sai còn bạn thì dễ dàng tuân thủ một yêu cầu tiếp theo còn sai hơn nữa. Không thể cho phép mình chỉ chờ đợi ai đó giúp đỡ để mình đúng mà không phải là tự mình chiến đấu vì mình đúng.
Hồi năm nhất đại học, tôi làm lớp trưởng, đem tờ báo tường của lớp lên nộp cho khoa để dự thi. Vị giáo sư trưởng khoa nhìn tờ báo tường có ý không hài lòng, mắng một hơi về việc làm tờ báo tường như thể trẻ con làm, rồi thản nhiên rút bút trong túi ra gạch toẹt lên tờ báo.
Tôi nhận trách nhiệm về sự non nớt của tờ báo tường, vì chúng tôi chỉ là tân sinh viên, nhưng đồng thời cũng thẳng thắn nói với thầy rằng, thầy không có quyền gạch toẹt lên tờ báo của lớp như thế. Tôi không gọi tên một phản ứng như thế bằng bất cứ những từ ngữ nào khác ngoài cụm từ “có ý thức trách nhiệm với điều đúng”.
Nếu bạn đúng, đừng chọn cách im lặng hay chấp nhận một cách tội nghiệp để chờ đợi mọi người thông cảm. Hãy chủ động lên tiếng, can đảm hơn, dấn thân hơn trong việc bảo vệ cái đúng, chứng minh điều đúng. Nhất là khi điều đúng đó liên quan đến danh dự, cơ hội và giá trị của chính bản thân bạn. Bạn có thể sẽ đối mặt với những khó khăn liên quan, nhưng đó là những đối mặt rất đáng giá trong cuộc sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.