Cần đánh giá công trình bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô gây xâm thực

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
28/09/2024 16:05 GMT+7

Người dân và chính quyền địa phương kiến nghị có giải pháp hạn chế ảnh hưởng xâm thực, sạt lở tại cửa sông Cu Đê đoạn đổ ra biển (cầu Nam Ô), khi thi công bờ kè dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

Theo UBND P.Hòa Hiệp Bắc, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đang thi công hạng mục kè chắn sóng thuộc địa phận P.Hòa Hiệp Nam, đoạn cửa sông Cu Đê đổ ra biển.

Tuy nhiên quá trình thi công đã tác động lớn đến hệ sinh thái tự nhiên tại khu vực này, đồng thời ảnh hưởng đến tuyến đê kè biển tại P.Hòa Hiệp Bắc nằm ở bờ đối diện, đoạn từ nhà máy xi măng Hải Vân đến cầu Nam Ô.

Cần đánh giá công trình bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô gây xâm thực- Ảnh 1.

Cầu Nam Ô và vị trí sông Cu Đê đổ ra vịnh Đà Nẵng, bên phải đang thi công công trình bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô

ẢNH: NGUYỄN TÚ

"Hiện trạng khu vực sông Cu Đê (P.Hòa Hiệp Bắc) đoạn từ cầu Nam Ô hướng ra biển bị xâm thực nghiêm trọng với chiều sâu khoảng 50 m, chiều dài khoảng 500 m. Việc này tác động lớn đến các hộ đang hành nghề ngư nghiệp tại sông Cu Đê, đe dọa sự an toàn của tuyến đê kè P.Hòa Hiệp Bắc" – báo cáo của UBND P.Hòa Hiệp Bắc nêu.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Ngọc Phước (64 tuổi, ngụ tổ 27, P.Hòa Hiệp Bắc), chủ quán Chân Cầu (cầu Nam Ô), cho biết đợt thời tiết xấu kèm theo mưa lớn ngày 18, 19.9 vừa qua, bờ cát trước quán bị xâm thực thêm khoảng mười mấy mét, tình trạng xâm thực diễn ra khoảng 2 tháng qua từ khi phía bờ đối diện thi công bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

UBND P.Hòa Hiệp Bắc cũng xác định vị trí bị xâm thực, sụt cát nhiều nhất hiện nay nằm đoạn từ quán Chân Cầu đến quán Hữu Nghị.

Cần đánh giá công trình bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô gây xâm thực- Ảnh 2.

Huy động sà lan để thi công công trình

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Do đó địa phương này đề xuất UBND Q.Liên Chiểu và các cơ quan chuyên môn kiểm tra, khảo sát, đánh giá tác động của việc thi công kè biển của dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, đồng thời có phương án điều chỉnh, khắc phục để hạn chế ảnh hưởng đến hạ tầng và môi trường khu vực.

Ông Lê Kim Nghĩa, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, cho biết thêm việc thi công kè chắn sóng của Công ty CP Trung Thủy tại dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đã hút cát phía P.Hòa Hiệp Nam, gây sạt lở phía đối diện là P.Hòa Hiệp Bắc, không chỉ người dân P.Hòa Hiệp Bắc phản ánh mà nhiều ngư dân làm rớ trên sông cũng "la làng" với đội ngũ thi công.

Đây không phải là lần đầu tiên dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô bị người dân địa phương phản ứng. Năm 2017 - 2018, dự án triển khai đã chặn lối xuống biển của người dân khu vực khiến người dân kéo đến phản đối (Thanh Niên đã thông tin).

Cần đánh giá công trình bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô gây xâm thực- Ảnh 3.

Bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô bị địa phương và người dân phản ánh gây xâm thực bờ đối diện

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Sau nhiều lần điều chỉnh, TP.Đà Nẵng thống nhất mở 5 lối xuống biển, dành nhiều không gian công cộng, phục vụ cộng đồng, đưa ghềnh Nam Ô ra khỏi dự án, đảm bảo việc người dân tiếp cận bờ biển dễ dàng.

Năm 2023, khi thi công các hạng mục hạ tầng, dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô đóng tạm lối xuống biển, gây ra nhiều bất tiện cho sinh hoạt của người dân và lại bị phản đối.

Ông Lê Kim Nghĩa cũng cho biết đối với việc kiểm tra dự án hút cát trong quá trình thi công, phường đã đề nghị lực lượng biên phòng phối hợp, trước mắt chưa phát hiện việc trộm cát, một số ống hút cát lắp đặt tại hiện trường nhằm phục vụ hút cát trong phạm vi dự án, do quá trình thi công bờ kè, cát bị tràn ra ngoài thì hút trở lại vào dự án, không di chuyển cát ra khỏi địa bàn.

Cần đánh giá công trình bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô gây xâm thực- Ảnh 4.

UBND P.Hòa Hiệp Bắc cho biết đoạn từ cầu Nam Ô hướng ra biển đã bị xâm thực sâu khoảng 50 m, dài khoảng 500 m

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Theo giải trình với UBND P.Hòa Hiệp Nam, bà Trương Nhật Hạ Duyên, đại diện Công ty CP Trung Thủy, cho biết công ty hợp đồng với Công ty TNHH Gota Thành Phát (TT.Đông Hưng, Thái Bình) sử dụng sà lan vận chuyển máy móc, công cụ, phương tiện trong quá trình thi công và hỗ trợ trong mùa mưa bão, chứ không phải hút cát.

Đồn biên phòng Hải Vân đã đề nghị Công ty CP Trung Thủy cung cấp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, hợp đồng đối với sà lan, nếu không có thì phải di chuyển phương tiện ra khỏi khu vực để không ảnh hưởng dòng chảy, tầm nhìn của phương tiện lưu thông.

Theo Phòng TN-MT Q.Liên Chiểu, hiện chưa tham mưu cấp phép cho bất kỳ đơn vị nào nạo, hút đất, cát trên sông Cu Đê. Do đó phương tiện sà lan neo đậu, đặt đường ống dưới lòng sông, tiềm ẩn nguy cơ và có dấu hiệu thực hiện hành vi nạo, hút cát, đất.

Phòng TN-MT đề nghị Công ty CP Trung Thủy, đơn vị thi công chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thi công.

Cần nghiên cứu chỉnh trị, nạo vét

Trao đổi với Thanh Niên, bà Trương Nhật Hạ Duyên, cho biết ban đầu sà lan neo đậu bên ngoài vị trí cửa biển nhưng hiện đã đưa vào khu vực bên trong ranh giới dự án.

Mục đích ban đầu của việc huy động sà lan là dự phòng thi công mùa mưa bão, nhưng thực tế yêu cầu nhiều thủ tục, có vài hồ sơ mà nhà thầu không đủ, nên chỉ sử dụng sà lan cho bên trong dự án, không sử dụng để thi công bên ngoài, nên chưa cung cấp các giấy tờ cho lực lượng biên phòng như yêu cầu.

Cần đánh giá công trình bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô gây xâm thực- Ảnh 5.

Vị trí bờ cát trước quán Chân Cầu (cầu Nam Ô) bị xâm thực

ẢNH: NGUYỄN TÚ

Ông Hoàng Thanh Hòa, Chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cho biết đối với công trình Khu du lịch sinh thái Nam Ô, quận thường xuyên kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra thì không phát hiện hút cát, nhưng địa phương vẫn giám sát liên tục, và yêu cầu Công ty CP Trung Thủy cam kết, nếu đụng vào cát thì địa phương xử lý kiên quyết.

Về việc sạt lở, xâm thực vùng bờ và cửa sông Cu Đê ở phía đối diện bờ kè Khu du lịch sinh thái Nam Ô đang thi công, ông Hoàng Thanh Hòa cho biết quận đã đề xuất UBND TP.Đà Nẵng, các sở chuyên môn vào cuộc, và hiện nay thành phố đã giao Sở Khoa học-Công nghệ TP.Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá tác động của quá trình thi công, hiện trạng xâm thực, sạt lở, chỉnh trị dòng chảy, có khả năng sẽ nạo vét để đảm bảo độ sâu cho tàu thuyền ra vào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.