Qua những bài học từ Olympic cũng như thực tiễn phong phú của thể thao VN, đã đến lúc chúng ta phải xác định cho rõ những môn thể thao nào cần đầu tư và đầu tư một cách quyết liệt để có thể tranh chấp huy chương Olympic.
Cần phải thay đổi nhận thức rằng việc chúng ta có nhiều VĐV đến được với đấu trường Olympic không có nghĩa thể thao VN đã lớn mạnh. Bởi nếu đi đông mà không có được chiếc huy chương nào thì thà ít như ở Olympic 2008 chỉ 7 VĐV mà có được HCB thì thành tích đó mới là thực chất.
|
Thật ra từ gần 30 năm qua, thể thao VN cũng đã có những định hướng tập trung cho các môn mũi nhọn, nhưng chưa có cuộc họp bàn nào cụ thể để đưa ra kết luận rõ ràng là nên đầu tư đúng mức cho những môn nào để hướng tới Olympic tranh huy chương. Gần đây, cụ thể là năm 2010, Chính phủ phê quyệt chiến lược của ngành TDTT là tập trung cho 10 môn loại 1 và 22 môn loại 2, theo tôi đó là định hướng mang tính rộng rãi để cổ vũ phát triển phong trào, từ đó xây dựng nên những đội tuyển có chất lượng để chơi trong khu vực như SEA Games hoặc phấn đấu ra Asiad. Nhưng với Olympic thì không thể tập trung cho cả 32 môn này vì Olympic là một đấu trường lớn, khắc nghiệt, cần phải thấy cái gì là thế mạnh chứ không phải dàn trải.
Theo tôi, chúng ta chỉ nên tập trung cho 4-5 môn để tranh huy chương Olympic, trong đó phải chú ý đến một số nội dung của các môn này. Ví dụ cử tạ những hạng cân nhẹ là phù hợp với tố chất của người VN. Do vậy tập trung cho Trần Lê Quốc Toàn hạng cân 56 kg là đúng. Nhưng vấn đề là chúng ta phát hiện Toàn sau khi Hoàng Anh Tuấn giành HCB ở Olympic 2008, lẽ ra phải đầu tư ngay, nhưng chúng ta đã không đầu tư đúng mức cho Toàn mà chỉ tập trung ở giai đoạn cuối thì làm sao có thành tích như mong đợi được. CHDCND Triều Tiên đã “ém mình” 4 năm tập trung đầu tư một cách hiệu quả để có lực sĩ giành HCV cử tạ, còn chúng ta vẫn mang nặng tính đối phó.
Môn thứ hai cần phải đầu tư là thể dục dụng cụ (TDDC), với nam là các nội dung vòng treo, xà kép, ngựa tay quay, với nữ là nhảy chống, đều là những nội dung có thể tranh chấp huy chương. Đây là môn đòi hỏi sự khéo léo và rất phù hợp với người VN. Chỉ cần tập trung ăn tốt, tập tốt, dụng cụ tốt, thầy tốt, chế độ đãi ngộ tốt thì TDDC VN nhất định có thể sánh vai cùng với các cường quốc. Tôi nhấn mạnh điều này để muốn nói thất bại của Phan Thị Hà Thanh vừa rồi là do chúng ta bỏ bê suốt mấy tháng trời, không có thầy, không có cọ xát thì làm sao tiến bộ.
Taekwondo cũng là môn phải được đầu tư có chiều sâu và phải chuẩn bị với chu kỳ dài hơi. Chuyên gia Hàn Quốc huấn luyện đội tuyển taekwondo vừa rồi có phát biểu tôi nghĩ là rất đúng: “2 VĐV Huỳnh Châu và Diệu Linh của VN rất tốt, nhưng không hiểu sao chỉ được chuẩn bị có 2 tháng, trong khi ở Hàn Quốc chu kỳ chuẩn bị cho Olympic phải từ 3-4 năm”.
Bắn súng, trong đó súng ngắn bắn nhanh và súng trường hơi nữ cũng phải được xem là môn đầu tư đặc biệt. Đây là môn đòi hỏi sự kiên trì, chính xác mà người VN hoàn toàn thích hợp. Chúng ta từng có Nguyễn Quốc Cường giành HCĐ Asiad 1982 tại Ấn Độ hay ở những kỳ Asiad tại Busan, Doha, Quảng Châu cũng đều có thành tích và tiếp cận được với thông số thế giới. Do vậy phải có thêm nhiều Hoàng Xuân Vinh hoặc Nguyễn Mạnh Tường trước đây, nhưng muốn thế phải làm bài bản.
Một vài nội dung của điền kinh và bơi lội cũng phải được quan tâm thiết thực. Trương Thanh Hằng lẽ ra phải có mặt ở Olympic nhưng đã không được đầu tư tốt ở giai đoạn cuối. Hoàng Quý Phước cũng thế, mất suất là do chính cách làm hời hợt của chúng ta.
Nguyễn Hồng Minh
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT)
Q.T (ghi)
>> Vượt qua chính mình ở Olympic
>> Thể thao Việt Nam trắng tay tại Olympic
>> Học hỏi Hàn Quốc
Bình luận (0)