Cần đầu tư đường sắt tốc độ cao bắc - nam

19/11/2016 07:51 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự án luật Đường sắt (sửa đổi) vào sáng 18.11, nhiều đại biểu ủng hộ việc cần thiết phải xây dựng đường sắt tốc độ cao, thay thế đường sắt khổ hẹp đang quá lạc hậu hiện nay.

Trước đó, theo đề xuất của Chính phủ, trong dự thảo luật bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế = 200 km/giờ) với các điều chủ yếu quy định về chính sách phát triển; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao...
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cho rằng trong 10 năm qua, nếu giám sát tất cả các loại hình vận tải của ngành giao thông thì riêng lĩnh vực đường sắt gần như không phát triển. ĐB cũng băn khoăn khi dự luật ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho phát triển đường sắt, nhưng để các doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận các chính sách ưu đãi thế nào lại chưa rõ. “Cần đầu tư đường sắt đôi bắc - nam, vì nếu có đường sắt đôi thì mỗi ngày chúng ta có thể đi vài trăm chuyến bắc - nam, tiết kiệm thời gian, chắc chắn hành khách sẽ ưu tiên lựa chọn, giảm áp lực cho đường bộ”, ĐB Thể đề xuất.
ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng góp ý: “Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng, dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sinh ra tiền. Dự án không chỉ giúp phát triển ngành GTVT mà còn tạo ra diện mạo mới cho 21 địa phương nó đi qua. Nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng mà dự án này mang lại thì chúng ta sẽ không phải vay vốn”. Ông Cảnh cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong 80.000 tỉ đồng dự kiến phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 cần dành vốn cho dự án trọng điểm là dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt bắc - nam.
ĐB Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội, cho biết hệ thống đường sắt của VN có hơn 130 năm phát triển nhưng vẫn chỉ là công nghệ 1, với khổ đường đơn 1 m trong khi thế giới đã ở công nghệ 4 chuẩn bị sang công nghệ thứ 5. “Đất nước ta trải dài từ bắc vào nam, nên nhất thiết phải phát triển đường sắt, cũng là phát triển đất nước. Cần quan tâm, bố trí vốn trong gói 80.000 tỉ đồng cũng như quỹ đất cho đường sắt để phát triển. Phải tách bạch kinh doanh hạ tầng với kinh doanh vận tải”, ông Thường đề nghị.
Cần thu hẹp đối tượng thí điểm cấp thị thực điện tử
Trước đó, sáng 18.11, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh VN.
Về đối tượng áp dụng của dự thảo nghị quyết, nhiều ĐB cho rằng việc quy định đối tượng áp dụng thí điểm gồm tất cả người nước ngoài nhập cảnh VN là quá rộng. Quy định như vậy có thể sẽ tạo ra sơ hở để những đối tượng xấu vào VN, gây khó khăn trong kiểm soát, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
“Bản chất của việc cấp thị thực là các nước có thể đưa ra điều kiện để hạn chế việc công dân nước ngoài vào nước mình. Tuy nhiên, dự luật đã “mở toang” cho tất cả công dân các nước”, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) nói, đồng thời cảnh báo thực tiễn ở TP.HCM có tình trạng nhiều công dân nước ngoài sau khi vào đã ở lì, không về nước dẫn đến nguy cơ TP.HCM trở thành nơi trú ngụ của tội phạm, lừa đảo...
ĐB Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên-Huế) cũng cho rằng việc áp dụng cho tất cả đối tượng là quá lớn, ảnh hưởng đến đảm bảo an ninh quốc phòng. ĐB Hạnh dẫn chứng các nước như Ấn Độ, Campuchia chỉ áp dụng với các đối tượng du lịch hoặc Hàn Quốc chỉ áp dụng đối tượng thu hút những nhà khoa học... Do vậy, ĐB đề nghị ban soạn thảo cũng phải nghiên cứu, thu hẹp đối tượng áp dụng. ĐB Hạnh cũng lưu ý việc cấp thị thực điện tử đảm bảo thể hiện được quan điểm, lập trường bảo vệ lãnh thổ trước việc phần lớn công dân của Trung Quốc nhập cảnh vào VN sử dụng hộ chiếu phổ thông điện tử trong đó có bản đồ “đường lưỡi bò”.
Quốc hội thông qua luật Tín ngưỡng, tôn giáo
Chiều 18.11, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo luật Tín ngưỡng, tôn giáo với 417 phiếu tán thành, chiếm 84,58% tổng số ĐB Quốc hội. Luật gồm 9 chương, 68 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo. Đối tượng áp dụng của luật là các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.