Thi chung, xét riêng
Là một người rất ủng hộ hình thức thi tuyển sinh theo hướng “3 chung” (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả), GS-TS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng - cho rằng duy trì hình thức thi này là cần thiết nhưng phải xem xét lại vấn đề xét tuyển và điểm sàn. Theo GS Nghị, điểm sàn cũng cần “phân tầng” tùy vào “thương hiệu” của từng trường chứ không nên có một điểm sàn chung cho tất cả các trường ĐH.
Đồng quan điểm, ông Đặng Văn Định - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Chu Văn An, cũng nhận định trong thời gian qua, quy chế thi “3 chung” là tốt nhất và được thực hiện nghiêm túc nhất. Tuy nhiên cũng cần phải cải tiến cho phù hợp với tình hình hiện nay. Ông Định nói: “Trong 10 năm thi theo phương thức này, tình hình các trường ĐH đã thay đổi nhiều. Có trường lấy mức điểm rất cao nhưng cũng có trường lấy mức điểm rất thấp. Vì vậy khi chấp nhận xã hội hóa giáo dục thì không nhất thiết các trường phải có cùng đầu vào như nhau. Ngay trong năm đầu tiên (2002) tuyển sinh theo hướng “3 chung” cũng chưa có quy định điểm sàn. Vì vậy tôi đề nghị vẫn thi “3 chung” nhưng kết quả thi thì phải để cho các trường tự xử lý”.
Đây cũng là ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM. Thạc sĩ Mai Bình lý giải: “Việc tổ chức một kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo cách chung đề, chung đợt như hiện nay là tối ưu. Tuy nhiên, vấn đề mà các năm qua gặp phải chính là khâu điểm sàn, tức sử dụng một mức điểm chung để xét tuyển vào những trường khác nhau. Do vậy, có thể để các trường được quyết định mức điểm trúng tuyển riêng tùy vào khả năng mỗi trường. Điều này sẽ khiến các trường phải nỗ lực hơn trong sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng nhằm hút thí sinh giỏi với đầu vào cao”.
|
Điều chỉnh khối thi
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt - có ý kiến: “Nên điều chỉnh các môn thi trong từng khối thi và các khối thi vào các ngành để cân đối lại lực lượng người thi và học giữa các nhóm ngành nghề. Số liệu tổng kết tuyển sinh năm 2011 cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi vào các khối thi rất lớn, cụ thể chỉ có 6,4% thí sinh đăng ký dự thi vào khối C, trong khi hồ sơ đăng ký dự thi vào khối A chiếm đến 55,2%. Do vậy, nên mở rộng nhiều khối thi vào một ngành, và giới hạn các môn thi trong một khối thi để giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh”. Về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - nói thêm: “Bộ nên nghiên cứu để tích hợp môn thi của 2 khối thi A và B trước khi tiến tới một kỳ thi chung quốc gia, vì ở 2 khối thi này chỉ khác nhau một môn thi. Bộ nên có chính sách rõ ràng để giải quyết tình trạng khó tuyển với hàng loạt ngành như hiện nay, đặc biệt với khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp và khoa học xã hội nhân văn”.
''Nghiên cứu để tích hợp môn thi của 2 khối thi A và B trước khi tiến tới một kỳ thi chung quốc gia, vì ở 2 khối thi này chỉ khác nhau một môn thi'' - Tiến sĩ VÕ THANH HẢI, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân |
Liên quan vấn đề này, thạc sĩ Mai Bình kiến nghị: “Bộ không nên để các trường tổ chức tuyển sinh dựa trên tổng chỉ tiêu được giao mà nên tuyển sinh theo chỉ tiêu của từng ngành cụ thể. Bởi lẽ, với xu hướng như hiện nay, nếu cứ cho phép các trường lấy chỉ tiêu của ngành này để bù đắp cho ngành khác, thì sự mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề này càng lớn. Những ngành truyền thống, cơ bản và cần thiết cho sự phát triển lâu dài về kinh tế xã hội như nông - lâm - ngư, khoa học xã hội hay kỹ thuật công nghệ sẽ ngày càng không có người học. Ngược lại sẽ dẫn đến sự thừa thãi nhân lực ở một số ngành nghề khác trong tương lai gần”.
Trong khi đó, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - lại nêu: “Việc cho phép thí sinh rút, nộp hồ sơ nguyện vọng 2, 3 nhiều lần như năm qua chưa thực sự mang lại hiệu quả. Thậm chí, xét về góc độ nào đó còn mất công bằng với thí sinh. Bởi lẽ, tổng kết trong số hơn 3.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM thì chỉ có hơn 60 hồ sơ được rút ra, không đáng kể. Trong số ít này, chủ yếu hồ sơ của thí sinh tại TP.HCM, tức cơ hội này rất khó đến với các thí sinh không đang sinh sống tại nơi mà trường đóng”. Tiến sĩ Hùng nói thêm: “Việc công khai hồ sơ của thí sinh trên website của các trường cũng vậy. Việc này chỉ có ý nghĩa khi các trường cập nhật chính xác, kịp thời mỗi ngày nhưng có rất nhiều trường không làm vậy. Thêm nữa, việc tuyển sinh của các trường được thực hiện trên tổng chỉ tiêu, nên có thể tuyển thêm chỉ tiêu ngành này để bù trừ vào chỉ tiêu ngành khác. Kết quả, nhiều ngành số thí sinh trúng tuyển hơn rất nhiều so với chỉ tiêu công bố ban đầu mà thí sinh căn cứ vào đó để tham khảo. Điều này vô hình trung góp phần làm mất cơ hội của thí sinh khi tham khảo các số liệu trên”.
Vũ Thơ - Hà Ánh
Bình luận (0)