Cần đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp trong nước

06/11/2005 01:10 GMT+7

* Trẻ em nhiễm HIV/AIDS có nên học trường riêng? Sáng 5/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đầu tư. Nhiều ĐB kêu gọi ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi và bãi bỏ những điều khoản gây bất lợi cho các doanh nghiệp (DN) trong nước và gây khó hiểu cho các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài...

Lắng nghe ý kiến ĐB, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An lưu ý ban soạn thảo : "Thường vụ và Chính phủ sẽ nghe ban soạn thảo trình xem tiếp thu thế nào trên cơ sở đó ta có thông qua (dự án Luật Đầu tư) tại kỳ họp này hay không". Ông nói rõ: "Không phải cứ vào lịch là ta thông qua... ta không chạy theo số lượng".

ĐB góp ý dự án Luật Đầu tư

* ĐB Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh): "Quy định như dự thảo nói khi thẩm tra dự án đầu tư phải làm rõ nguồn gốc vốn. Nhưng thực tế, nhiều NĐT nói chỉ khi có quyết định cấp phép đầu tư của VN thì họ mới có thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Còn bảo phải điều tra nguồn vốn thì điều đó xúc phạm họ. Cho nên quy định này cần phải xem lại".

* ĐB Nguyễn Ngọc Lâm (Hải Phòng): “Luật ta khá thông thoáng nhưng công chức gây ách tắc làm nản lòng NĐT. Ở ta chưa có cơ chế một cửa thực sự và cách làm của công chức không đáp ứng. Dự luật quy định cấp giấy chứng nhận trong 7 ngày nhưng một chuyên viên sẵn sàng giam dự án vào trong ngăn bàn. Nên phải có chế tài cụ thể quy định rõ trách nhiệm người thực hiện. Phải quy định cụ thể khi đưa hồ sơ thì phải trả lời ngay đủ giấy tờ hay không”.

Đại diện cho cộng đồng DN, ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng, sau nhiều lần sửa đổi, dự án LĐT "đã có nhiều tiến bộ". Cụ thể, theo ông, "những nội dung về bảo hộ, khuyến khích, ưu đãi đầu tư... là hợp lý và minh bạch hơn rất nhiều, vừa phù hợp với điều kiện VN và yêu cầu hội nhập". Tuy nhiên, ông Lộc cũng nói ngay: "Vấn đề thủ tục đầu tư, nếu các vị có nghe nói đây là bước lùi của hệ thống pháp luật VN thì chính là ở điểm lùi với NĐT, kinh doanh trong nước chứ không phải NĐT nước ngoài". Ông Lộc phân tích: "Thủ tục với NĐT nước ngoài đã kế thừa và thuận lợi hơn so với quy định tại Luật Đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với các NĐT trong nước, nay lại phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo 3 mức độ khác nhau: đăng ký đầu tư (nhóm I), đăng ký đầu tư có chứng nhận (nhóm II) và đăng ký đầu tư có thẩm định (nhóm III)". Ông Lộc nói tiếp: "Đăng ký đầu tư có thẩm định thì tôi cho là ý kiến chung nhất trí nhưng các dự án nhóm I, nhóm II không cần phải thực hiện đăng ký đầu tư mà chỉ làm thủ tục đăng ký kinh doanh". Ông nói: "Nếu đăng ký đầu tư có chứng nhận như dự thảo thì đó là biện pháp mang tính hình thức vì các dự án đầu tư chỉ là ý định của NĐT. Họ có nhiều ý định nhưng chỉ thực hiện rất ít dự án đó. Nếu đăng ký đầu tư với nhóm I với hàng triệu dự án đầu tư thì chỉ gây tốn kém chi phí, mất thời gian và tiền của Nhà nước (tổ chức bộ máy vận hành) và DN. Hơn nữa còn phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu".

Nói về vấn đề Chính phủ đảm bảo lợi ích NĐT khi chính sách thay đổi, ĐB Lê Minh Hồng (Ninh Bình) nêu ý kiến: "Quy định như điều 11 thì chưa rõ ràng, có thể làm NĐT lo lắng. Dự thảo không nêu thời gian để NĐT tiếp tục được hưởng ưu đãi trong bao lâu khi chính sách thay đổi. Hay ghi là thay đổi mục tiêu đầu tư  cũng rất không khả thi. Bởi vì khi họ đã đầu tư lớn thì khó thay đổi lĩnh vực đầu tư”. Ông đề xuất: "Phải quy định khi chính sách thay đổi, trước tiên, NĐT được kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải pháp khắc phục và được giúp đỡ".

QH thảo luận về dự án luật phòng chống nhiễm vi-rút HIV/AIDS: Trẻ em nhiễm HIV/AIDS có nên học trường riêng?

Can thiệp giảm tác hại trong dự phòng HIV/AIDS; việc khám chữa bệnh cho người bị nhiễm HIV/AIDS; thái độ xã hội đối với người nhiễm HIV... là những vấn đề được các ĐBQH quan tâm khi thảo luận về dự án Luật phòng chống nhiễm vi-rút HIV/AIDS hôm qua. ĐB Nguyễn Văn Trì (Vĩnh Phúc) không đồng ý với quy định chung chung trong dự thảo về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS mà phải nói rõ các biện pháp ấy là gì. Theo ông Trì, nên xem trọng công tác tuyên truyền về HIV/AIDS. "Nhiều nơi, do tuyên truyền không đúng, không đầy đủ về các con đường lây truyền HIV, cho rằng đó là tệ nạn xã hội gây ra tâm lý xã hội nặng nề, thái độ kỳ thị", ông Trì lý giải. ĐB Lê Xuân Thân bổ sung biện pháp can thiệp giảm tác hại là nên tuyên truyền để cả xã hội có nhận thức đầy đủ, khuyến khích sử dụng bao cao su và quan hệ tình dục an toàn.

Đồng ý với quan điểm không phân biệt đối xử, không kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS nhưng ĐB Trần Thị Hoa Ri (Bạc Liêu) cho rằng quy định các trường học không được từ chối tiếp nhận vì biết hoặc nghi ngờ học sinh, sinh viên (HSSV) nhiễm HIV; không được hạn chế, cấm đoán HSSV tham gia các hoạt động sinh hoạt, dịch vụ của cơ sở vì bị nhiễm HIV... là không đầy đủ và quá mạo hiểm. Bà Ri lý giải: "Trẻ em lớn (15 tuổi trở lên) mới có nhận thức đầy đủ về việc lây nhiễm và đủ ý thức để phòng tránh cho mình, còn ví dụ như trẻ mầm non thì không có được khả năng này, thành ra nếu để các trường mầm non tiếp nhận cả học sinh mang vi-rút sẽ rất nguy hiểm cho các trẻ khác khi chơi đùa, sinh hoạt. Hơn nữa trẻ em nhiễm HIV rất dễ bị bội nhiễm, cần được chăm sóc đặc biệt hơn". Bà Hoa Ri đề nghị nên quy định chính sách về chăm sóc và giáo dục mầm non riêng biệt cho những trẻ bị nhiễm HIV với những giáo viên có chuyên môn về chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, ĐB Huỳnh Thành Lập (TP.HCM) không đồng ý có lớp học riêng dành cho học sinh nhiễm HIV vì cho rằng: "Người nhiễm bệnh, kể cả trẻ em, nếu bị phân biệt đối xử sẽ rất nguy hiểm".

Đa số ý kiến ĐBQH phát biểu ngày 5/11 đều đồng ý bổ sung thêm một điều vào dự thảo luật: quy định những người nhiễm HIV/AIDS có BHYT được cơ quan này chi trả tiền khám, chữa bệnh nhằm đảm bảo tính công bằng trong xã hội.

T.Nhung

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.