Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh, cho rằng 10 năm qua thực chất là doanh nhân VN ở tình trạng “7 chìm, 3 nổi” chứ không phải “3 chìm, 7 nổi”. “10 năm qua, chưa bao giờ đội ngũ doanh nhân gặp nhiều khó khăn như hiện giờ. Trong kinh tế thị trường có thành lập, có giải thể là bình thường, nhưng trong thời gian ngắn mà hàng trăm nghìn DN giải thể, rời bỏ thị trường là điều rất không bình thường”, ông Minh nói.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn, cho rằng đây là một giai đoạn mới, đầy thách thức khi VN chuẩn bị tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng với EU, Nhật, Hiệp định TPP…Nếu doanh nhân không có cách nghĩ, cách làm thật khác biệt thì không thể bứt phá được. Nhà nước phải có những đột phá về chính sách, với những chính sách thật cụ thể để hỗ trợ DN. Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng doanh nhân VN không ngại vượt qua thách thức của thương trường nhưng họ khó vượt qua một thể chế, chính sách “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”. Thể chế, cách thực hiện như vậy khiến DN khó tính toán được chiến lược dài hạn. Để giải quyết những khó khăn hiện nay cho cộng đồng DN, cần phải có những đột phá mạnh mẽ về thể chế.
Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN, đây là thời điểm chín muồi để DN tư nhân VN phát triển. “Tôi nói vậy bởi hiện nay có các yếu tố như kinh tế toàn cầu đang phục hồi; ở VN, nhu cầu nội tại đang tăng, các chỉ số tiêu thụ công nghiệp, niềm tin người tiêu dùng đang phục hồi và Chính phủ đang có những tín hiệu cho thấy đã quan tâm hơn đến sự phát triển của khu vực tư nhân”, bà Kwakwa nói và khuyến nghị: “Chính phủ cần phải có chính sách thúc đẩy sân chơi công bằng, giữa DN tư nhân với DN nhà nước và DN FDI. Nếu DN tư nhân được tiếp cận công bằng hơn về đất đai, tín dụng thì họ sẽ có thể thâm nhập sâu hơn vào các lĩnh vực độc quyền của DN nhà nước”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho biết trong thời gian tới sẽ có những thay đổi quan trọng về chính sách đầu tư, kinh doanh, như Quốc hội sẽ xem xét, thông qua luật Đầu tư, luật DN (sửa đổi)… trong đó quy định rõ các ngành nghề hạn chế kinh doanh, ngoài danh mục này thì người dân được kinh doanh bất kể ngành nghề nào; cải cách, bỏ bớt nhiều thủ tục như giao cho DN tự làm con dấu.
Hà Nguyễn
Bình luận (0)