Cần đột phá trong tái cơ cấu kinh tế

31/10/2021 07:21 GMT+7

Theo các Đại biểu Quốc hội, nền kinh tế VN đang thiếu các trụ cột và nếu không có sự đột phá trong tái cơ cấu kinh tế thì rất khó lột xác tăng trưởng sau đại dịch Covid-19.

Lo lỡ nhịp với kinh tế thế giới

Thảo luận trực tuyến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 ngày 30.10, đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng nền kinh tế VN đang thiếu các trụ cột để tạo nên một sự phát triển tự chủ và bền vững. Xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong FDI thì 70% từ bên ngoài, còn chúng ta tạo ra giá trị bên trong khoảng 30%.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

GIA HÂN

Vẫn theo ĐB Cường, VN đặt mục tiêu trở thành một quốc gia hùng cường thì phải dựa trên trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh, để không chỉ làm chủ kinh tế trong nước mà còn vươn ra thế giới. Hiện nay, chúng ta chưa có được các trụ cột này, vì vậy ĐB Cường đặt vấn đề khi tái cơ cấu kinh tế cần xem xét tạo cơ chế để hình thành trụ cột. Phải có những đột phá, lột xác chứ không thể bằng các giải pháp chung chung, thông thường.

Cập nhật dữ liệu về xếp hạng tín nhiệm quốc gia, theo ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị), chúng ta hiện còn khoảng cách tương đối khi so sánh với những đối thủ như Malaysia, Thái Lan, Indonesia hay Philippines, thậm chí cả Ấn Độ. Còn tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19, xét theo tiêu chí dân số được tiêm đủ 2 mũi trên tổng dân số quốc gia, vẫn còn cách khá xa so với Malaysia, thậm chí cả Thái Lan.

“Vậy câu hỏi được đặt ra là VN sẽ ở đâu khi chịu tác động tiêu cực và nặng nề của đợt dịch lần thứ 4? Liệu các đối thủ hàng xóm có đứng im hay chỉ đi lững thững để xem chúng ta chạy không? Liệu kinh tế VN có lỡ nhịp với kinh tế thế giới và khu vực?”, ĐB Đồng lo lắng.

“Phải chăng chúng ta nên chấp nhận một cuộc lột xác cho nền kinh tế. Chúng ta sẽ không phải giải cứu, hỗ trợ đại trà, dàn trải cho mọi doanh nghiệp. Thay vào đó, Chính phủ cần tập trung nguồn lực hạn hẹp cho những đối tượng thật chọn lọc nhằm đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể mà kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã đặt ra”, ĐB Đồng đề nghị.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Giải trình thêm trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2025 không phải vấn đề mới, mà đã thực hiện hơn 10 năm qua. Vấn đề đặt ra hiện nay, cần phải nhìn nhận xem chúng ta đã làm được gì và sắp tới cần tiếp tục làm gì. Việc thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết. Nguyên nhân chậm tái cơ cấu có nhiều, tuy nhiên theo ông Dũng, sự quan tâm, ý thức, trách nhiệm, tư duy và tầm nhìn của chúng ta chưa theo kịp, làm ảnh hưởng tới mục tiêu, nhất là các cấp, ngành và địa phương.

“Về giải pháp, người đứng đầu phải thấy được trách nhiệm của mình, ý thức được và phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để chúng ta quyết tâm thực hiện với một tư duy tầm nhìn mới, và phải vượt qua được các tư duy nhiệm kỳ, tư duy về lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành để chống cát cứ, chia cắt. Phải tính đến lợi ích tổng thể của nền kinh tế, tính đến liên vùng, liên ngành, từ đấy chúng ta mới giải quyết được. Chứ nếu chúng ta đi theo từng phân khúc, chia cắt nó ra thì rất khó mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Băn khoăn về giảm đất lúa, tăng đất khu công nghiệp

Chiều cùng ngày, thảo luận về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng giai đoạn vừa qua, cùng với diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp, nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp trở thành lao động tự do; có dự án thu hồi đất lúa xong thì bị bỏ hoang hoặc triển khai một vài hạng mục rồi “đắp chiếu”, rất lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất. Đó là chưa kể một số địa phương vẫn còn để tình trạng tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác và chưa được xử lý nghiêm. “Đề nghị xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất lúa, khu vực nào cần chuyển đổi, khu vực nào cần giữ”, ĐB Hoa nêu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Phương (đoàn TP.Cần Thơ) và ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì nhìn nhận việc diện tích trồng lúa tại khu vực ĐBSCL chiếm tới gần một nửa diện tích trồng lúa của cả nước là chưa phù hợp. “Trong 10 năm tới, ĐBSCL vẫn là vùng sản xuất lúa chính, vì sự chuyển đổi diện tích là quá nhỏ. Theo hướng này thì vùng này khó có thể đô thị hóa hoặc phát triển theo hướng công nghiệp nhanh được”, ĐB Phương nêu và cho rằng với quy hoạch đất đai như vậy, khu vực ĐBSCL khó có thể cơ cấu lại nền kinh tế.

Liên quan đất khu công nghiệp, ĐB Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng giai đoạn 2011 - 2020, quy hoạch trên 191.000 ha nhưng mới thực hiện được 90.000 ha. Đến giai đoạn 10 năm sắp tới, dự kiến sẽ tăng thêm 120.000 ha cho đất khu công nghiệp là quá lớn.

“Theo tôi cần xem xét lại để cho phù hợp. Chúng ta đưa vào quy hoạch, nếu quy hoạch của chúng ta triển khai tổ chức thực hiện không đi vào thực tiễn, thì cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ĐB Hải nêu và đề nghị Chính phủ có cơ chế để các tỉnh sớm thấy được trách nhiệm của mình trong thực hiện quy hoạch đất.

ĐB Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cũng đề nghị cân nhắc việc tăng đất khu công nghiệp để dành thêm quỹ đất cho văn hóa và thể thao. “Đất văn hóa quy hoạch đến năm 2030 chỉ có 20.000 ha, tăng hơn 11.000 ha so với năm 2020; đất thể dục, thể thao quy hoạch đến năm 2030 là hơn 30.000 ha, tăng hơn 17.000 ha, bố trí như vậy là ít”, ĐB Sỹ nêu.

Hội nghị lấy ý kiến vào nội dung dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Chiều 30.10 tại Hà Nội, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ tham dự hội nghị lấy ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH vào nội dung dự án luật Thủ đô (sửa đổi). Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu cho rằng luật Thủ đô được thông qua năm 2012, đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Thành ủy Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ QH quan tâm xem xét, nhất trí đưa dự án luật Thủ đô (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH với những định hướng lớn như: Tạo cơ chế để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền thành phố theo hướng tinh gọn, hiện đại; tăng cường phân quyền, phân cấp cho thủ đô trên các lĩnh vực như tài chính - ngân sách, văn hóa, giáo dục… Phát biểu tại hội nghị, sau khi nêu những tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của Hà Nội, Chủ tịch QH nhấn mạnh, trên cơ sở đó Hà Nội nghiên cứu thiết kế điều luật trong dự án luật Thủ đô (sửa đổi) phù hợp với đặc trưng của thủ đô Hà Nội; rà soát để xác định phạm vi điều chỉnh của dự án luật có tầm nhìn bao quát hơn, rộng hơn so với luật hiện hành.

TTXVN

Quốc hội chất vấn 4 bộ trưởng

Chiều 30.10, Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường cho biết sau khi tổng hợp phiếu ý kiến ĐB, 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn gồm lĩnh vực y tế, LĐ-TB-XH, KH-ĐT, GD-ĐT. Như vậy, các bộ trưởng phụ trách 4 lĩnh vực trên sẽ trả lời chất vấn trong 2 ngày rưỡi, từ ngày 10.11 đến sáng 12.11 khi QH họp trực tiếp tại Nhà QH.

Trong lĩnh vực y tế, ĐB sẽ chất vấn công tác phòng chống Covid-19 thời gian qua và chiến lược vắc xin tới đây; bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt ở các vùng khó khăn.

Lĩnh vực LĐ-TB-XH, nội dung dự kiến chất vấn là việc thực hiện các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP.HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam trong nhiều đợt; giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động; vấn đề huy động, quản lý công tác thiện nguyện thời gian qua...

Lĩnh vực KH-ĐT dự kiến chất vấn các nội dung giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021...

Trong lĩnh vực GD-ĐT, nội dung chất vấn gồm việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; giảm tải chương trình học cho học sinh...

Sau khi 4 bộ trưởng đăng đàn trong phiên chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ báo cáo QH và trả lời các vấn đề ĐB quan tâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.