Kinh doanh đa cấp ngày càng nhộn nhịp nhưng cũng đã gây nên sự “hỗn loạn” bởi một số doanh nghiệp bất chính. Hội thảo “Bán hàng đa cấp” tại TP.HCM diễn ra tháng 11 vừa qua đã chỉ ra ưu khuyết điểm của loại hình này.
Con sâu làm rầu nồi canh
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), tính đến thời điểm ngày 19 tháng 11 năm 2015, Cục QLCT đã tiếp nhận 75 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, nhưng chỉ mới có 59 đơn vị đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận. Trong khi đó, ước tính có một đội ngũ khổng lồ khoảng 1,2 triệu người tham gia vào mạng lưới BHĐC với hơn 7.000 mặt hàng, trong đó thực phẩm chức năng chiếm đến 90%. Chưa kể, một số lượng không nhỏ doanh nghiệp núp bóng BHĐC với nhiều chiêu trò lừa đảo gây nên sự hỗn loạn và suy giảm niềm tin trầm trọng của người tiêu dùng đối với việc BHĐC tại Việt Nam.
Về bản chất, bán hàng đa cấp là hình thức kinh doanh “thông minh” của một xã hội hiện đại. Nó mang đến sự tiện lợi bởi nó giúp người mua hàng có thể trực tiếp mua hàng mà không thông qua các cửa hàng bán lẻ hay đại lý trung gian. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và cho cả người tiêu dùng. Người mua hàng có thể trở thành kênh phân phối trực tiếp và thu được lợi nhuận thông qua việc giới thiệu sản phẩm tốt, chất lượng cho người thân, bạn bè của mình và mọi người xung quanh.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều đơn vị núp bóng kinh doanh hàng đa cấp, thậm chí một số công ty danh chính ngôn thuận cũng biến tướng hình thức này theo hướng kinh doanh tiêu cực. Kiểu BHĐC này phổ biến là đi tìm kiếm lợi nhuận không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia bán hàng đa cấp. Thay vì tạo ra sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng để bán được nhiều, một số công ty BHĐC sử dụng “độc chiêu” dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp với những hứa hẹn lợi nhuận kinh khủng; yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà không được doanh nghiệp bán hàng đa cấp ủy quyền.
Lấy lại uy tín cho bán hàng đa cấp
Để có cái nhìn toàn diện về bức tranh “sáng - tối” BHĐC, mới đây Hội thảo bán hàng đa cấp được tổ chức tại Đại học kinh tế TP.HCM với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà kinh tế, luật sư. Hội thảo đã nhìn thẳng vào thực trạng của ngành đa cấp tại Việt Nam với nhiều điểm cần khắc phục. Trong đó, điều nhức nhối nhất mà các nhà khoa học đề cập đến là sự tồn tại của các công ty lừa gạt núp bóng kinh doanh đa cấp, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh mô hình kinh doanh đa cấp của nhiều thương hiệu uy tín.
Tiến sĩ Phạm Thị Bích Hoa - nguyên giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia chia sẻ : “Ảnh hưởng từ một số công ty BHĐC bất chính đã gây ra thái độ kỳ thị, nghi ngờ, chưa hiểu đúng của dư luận đối với BHĐC. Điều này gây ra không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh qua mạng của các công ty chân chính. Trong khi mô hình kinh doanh theo mạng (Việt Nam gọi là bán hàng đa cấp) đang là một xu thế phân phối sản phẩm tiến bộ, hiện đại trên thế giới, mang lại nhiều giá trị và tính ưu việt cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh hội nhập để phát triển, thay vì ngăn cản một mô hình mới, chúng ta nên nhìn nhận kinh doanh theo mạng như một loại hình Marketing cấp tiến. Để phát huy những ưu điểm và giá trị của mô hinh kinh doanh này, ngăn chặn, hạn chế những bất cập từ những hoạt động kinh doanh BHĐC bất chính; rất cần vai trò của nhà nước và các cơ quan quản lý.
Hội thảo đề tài NCKH “Hoạt động BHĐC trên địa bàn TP.HCM: thực trạng và giải pháp
|
Tại điều 5 Nghị định 42/2014 quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đa cấp vi phạm các điều cấm nêu trên dưới những hình thức khác nhau và che dấu hành vi vi phạm một cách tinh vi. Mặc khác, sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước còn thiếu quyết liệt, lỏng lẻo… Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng cần có cơ quan kiểm tra, thẩm định các sản phẩm chào bán trên thị trường đa cấp vì sản phẩm đa cấp có chất lượng khác nhau. Bộ Công Thương cần quy định rõ mô hình đa cấp nào được phép hoạt động, mô hình nào không được hoạt động để tiện ngăn chặn các hành vi sai phạm. Ngoài ra, cần khuyến cáo người tham gia mạng lưới BHĐC và tiêu dùng khi mua sản phẩm cần tìm hiểu cặn kẽ quy tắc hoạt động của mạng lưới, nghiên cứu nguồn gốc, xuất xứ nhãn hàng…
BHĐC là một câu chuyện dài và với thực trạng bất ổn trong kinh doanh đa cấp như hiện nay thì không dễ gì nói “lọt tai” ngay người Việt được. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng: mô hình BHĐC là phương thức kinh doanh hiệu quả và đã hình thành và phát triển gần 100 năm trên thế giới, không những không có lỗi mà còn là hình thức kinh doanh văn minh, tiến bộ của xã hội hiện đại. Xét trên góc độ kinh tế, BHĐC mang lại những đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, góp phần tạo thu nhập cho người lao động. Điều cần nhất phải làm ngay là loại trừ những “con sâu làm rầu nồi canh” trong hoạt động BHĐC để lấy lại niềm tin của ngươi tiêu dùng Việt Nam.
Bình luận (0)