>> Bảo vật quốc gia đầy vết xước
>> Đều là phá hoại
|
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đã tới chùa Long Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam ngay sau khi nhận tin bia Sùng Thiện Diên Linh bị xâm hại. Ông từng đến đây để quan sát tấm bia này nhiều lần. Theo ông Đức, nhìn chung chữ nghĩa trên bia không bị bào mòn như nhiều người nghĩ. Tuy nhiên, các bia đều đã bị ảnh hưởng. Điều này có thể quan sát được bằng mắt thường. “Do dùng bàn chải có răng kim loại chà lên mặt bia cho nên để lại nhiều vết xước nhỏ mỏng. Các bia thời Lê trông rất thiếu mỹ quan”, ông Đức cho biết.
Một nhà nghiên cứu khác, ông Nguyễn Sử, Viện Tôn giáo, cho rằng việc tác động lên bia bởi những đường lằn do bàn chải, tác động trực tiếp lên một số chữ ở mặt trước cũng như mặt sau bia là tương đối nhiều. Tuy nhiên, theo ông Sử, quan sát bằng mắt thường và trên bản dập sẽ cho những kết quả khác nhau. “Khi dập lên, những vết xước sẽ thấy nhiều hơn, rõ hơn”, ông Sử nói.
Trong khi đó, TS Trần Trọng Dương vẫn tiếp tục bức xúc vì sự “tàn bạo” với những tấm văn bia. Ông đánh giá, bia Sùng Thiện Diên Linh và bốn tấm bia khác trong chùa Long Đọi Sơn đã bị xâm hại vô cùng thô bạo. Mức độ xâm hại cũng rất khác nhau. Có tấm bị xước với những vệt to, thô rất dễ thấy. Nhưng, theo ông Dương, tấm bia bị xước thô như vậy còn đỡ lo hơn. Bởi có tấm bia, sau khi bị đánh bằng bàn chải đã được dùng giấy ráp (nhám) mài cho nhẵn, để vết bàn chải đỡ phô. Điều này khiến chính tấm bia đó bị hủy hoại nặng hơn.
TS Dương cũng đã giám định sơ bộ tấm bia qua một số hình ảnh ông chụp tại hiện trường và tư liệu cá nhân. Một ví dụ nhỏ được ông phân tích là hình rồng bên diềm bia. “Khi phóng to lên, có thể thấy văn bia đã được “tinh chế” bằng giấy ráp. Do đó, mặt bia khá mịn và đồng đều, chỉ thấy các vết xước lờ mờ. Nhưng càng mịn thì càng nghiêm trọng. Vì nó đã được mài kỹ, mài nhiều”, TS Dương phân tích.
|
Sai lệch, hủy hoại di sản văn hóa
Thông tin từ Sở VH-TT-DL Hà Nam cho biết họ không được xin phép về việc “làm sạch bia” kiểu thô bạo như vậy. Nếu điều này chính xác, những người gây ra hiện trạng trên đã phạm luật. Khoản a, điều 4, Nghị định 98 quy định những hành vi làm sai lệch di tích có đoạn: “Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về nội dung và giá trị của di tích”. Như vậy, việc một nhóm người có hành vi khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền cho thấy họ đã làm sai lệch, hủy hoại di sản văn hóa.
Hiện tại, công chúng cũng băn khoăn không rõ những người trực tiếp tẩy rêu cho bia đã có trình độ, hiểu biết về bảo tồn di tích thế nào; vì sao họ lại được chọn để làm sạch bảo vật quốc gia như vậy. Dù trách nhiệm của sự lựa chọn này thuộc về ai, nó cũng cho thấy sự tùy tiện ở địa phương, sự buông lỏng trong tuyên truyền pháp luật di sản.
Trả lời báo chí, lãnh đạo địa phương cho rằng đó chỉ là những vết xước, không thể mòn đá được. Chính vì thế, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng việc xác định thương tổn cần phải được làm rốt ráo, để có kết quả thật chính xác. “Chúng tôi đề xuất cần phải có việc giám định văn bản học giữa các chuyên gia bi ký (người chuyên nghiên cứu bia - PV) của Viện Hán Nôm và Bộ VH-TT-DL, để xác định tầm nghiêm trọng của vụ việc này”, TS Trần Trọng Dương nói.
Cũng theo TS Dương, hiện ta còn một bản dập mỹ thuật gần đây nhất, có chất lượng tốt nhất trước khi bị xâm hại. Đó là bản dập của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn, Viện Mỹ thuật, thực hiện năm 2009. “Dựa vào bản này ta sẽ biết họ đã bào đi bao nhiêu chữ, bao nhiêu họa tiết mỹ thuật”, ông Dương nói.
Trinh Nguyễn
>> Bảo vật quốc gia đầy vết xước
>> Đều là phá hoại
>> Tranh cãi tên gọi bảo vật quốc gia: Rồng hay Rắn?
Bình luận (0)