GV Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), đề nghị Bộ có thể giao cho các địa phương thực hiện điều chỉnh sao cho đảm bảo được yêu cầu kiến thức kỹ năng.
Ở góc độ quản lý, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), khi dạy trực tuyến, GV không thể dạy hết bài nên học sinh (HS) có thể tiếp thu 60% lượng kiến thức. Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng trong chương trình phổ thông hiện nay, cần quy định cụ thể môn nào thực hiện dạy trực tuyến, môn nào HS tự học theo bài giảng chứ không thể đưa ra quy định chung chung.
Còn thạc sĩ Phan Thế Hoài, GV Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), đề nghị chương trình cần cắt giảm khoảng 35 - 40% nội dung kiến thức dư thừa, chồng chéo, trùng lắp, hàn lâm hoặc những phạm vi kiến thức chưa thực sự cần thiết. Thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cho rằng Bộ công bố sớm sẽ giúp cho các trường điều chỉnh nội dung kiểm tra đánh giá HS, xây dựng kế hoạch định hướng HS ôn thi, nhất là kỳ thi dành cho HS cuối cấp.
Thầy Ngô Hùng Cường, Hiệu phó Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5), cho biết do dạy trực tuyến, GV không thể nào bê nguyên chương trình dạy trực tiếp lên dạy trực tuyến được nên việc chọn lọc, tinh giản là điều bắt buộc cần thiết.
Cô Nguyễn Trần Hạnh Nguyên, Tổ trưởng tổ bộ môn văn Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM), cho biết trước khi soạn bài giảng, tất cả GV bộ môn của trường đã bàn bạc với nhau để thống nhất nội dung giảng dạy. Việc chọn lọc, tinh giản tạm thời sẽ dựa trên hướng dẫn của Bộ GD-ĐT năm trước. Ngoài ra trong mỗi bài dạy dù không bỏ bất kỳ bài nào nhưng GV phải biết chọn lọc trọng tâm của từng bài để dạy.
Còn ở bậc tiểu học, cô Phạm Thị Nam Hồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Gò Vấp), cho biết khi lên lịch học và chương trình dạy học trực tuyến cho HS ban chuyên môn và GV của trường cũng phải tính toán, cân nhắc rất nhiều trong mỗi bài học.
Bình luận (0)