Cần giao trọng trách cho Việt kiều

29/01/2016 21:14 GMT+7

TS Nguyễn Quốc Bình đề xuất giao cho các chuyên gia Việt kiều làm chủ các chương trình dự án lớn; mạnh dạn giao trọng trách; tiếp nhận chuyên gia giống như tài sản quốc gia.

TS Nguyễn Quốc Bình đề xuất giao cho các chuyên gia Việt kiều làm chủ các chương trình dự án lớn; mạnh dạn giao trọng trách; tiếp nhận chuyên gia giống như tài sản quốc gia.

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - trò chuyện với Việt kiều - Ảnh: Điệp Đức MinhÔng Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - trò chuyện với Việt kiều - Ảnh: Điệp Đức Minh

“Tôi xác định sẽ đóng góp cho thành phố, cho trung tâm đến cuối đời, đến khi nào thành phố không cần tôi nữa thì thôi”, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Quốc Bình, Việt kiều Canada trải lòng khi được mời lên phát biểu trong buổi họp mặt Việt kiều mừng Xuân Bính Thân 2016 do TP.HCM tổ chức tối 29.1.

Buổi họp mặt có sự tham gia của gần 1.000 Việt kiều từ mọi nơi trên thế giới. 

Bán nhà, về Việt Nam cống hiến

TS Bình là điển hình Việt kiều về việc góp công xây dựng đất nước. Ông Bình là Việt kiều Canada. Năm 2003, khi về Việt Nam, ông Bình được lãnh đạo thành phố (lúc đó là Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thiện Nhân) mời về xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Ai cũng nghĩ với công việc đang rất tốt ở Canada, lại vướng bận gia đình, khó có thể ông Bình trở về Việt Nam. Thật bất ngờ, khi sang lại Mỹ, ông nói con cái thuê nhà ở và rao bán nhà.

“Sau buổi trò chuyện đó, tôi nghĩ đây là một dự án quan trọng của thành phố rất cần tôi tham gia. Việc tôi bán hết nhà cửa ở Canada để khẳng định quyết tâm và ý thức rằng khi đã tham gia dự án sẽ không có đường lùi. Tôi xác định sẽ đóng góp cho trung tâm đến cuối đời, đến khi nào thành phố không cần tôi nữa thì thôi”, ông Bình chia sẻ.

Đông đảo Việt kiều hân hoan trong ngày họp mặt - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đúng như ý nguyện của ông Bình khi quyết định trở về Việt Nam, một dự án trung tâm nghiên cứu nhiều chức năng với tổng số vốn lên tới 100 triệu USD đã được lãnh đạo TP.HCM phê duyệt. Dù là Việt kiều, có quốc tịch nước ngoài nhưng ông Bình vẫn được tin tưởng giao vị trí Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Từ 2 thành viên ban đầu, đến nay trung tâm đã có gần 80 TS, thạc sĩ. Đây được xem là trung tâm sinh học lớn nhất Việt Nam nếu xét về quy mô cũng như đầu tư.

Hiện tại sau hơn 5 tháng hoạt động, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã có bằng phát minh sáng chế về vắc xin cho cá tra kháng bệnh thận mủ, lai tạo các giống lan… Điều đáng nói chỉ cần một loại vắc xin cho cá ứng dụng thành công thì ước tính hằng năm mang lại lợi nhuận cho nông dân hơn 100 triệu USD.

Hướng về Biển Đông

Theo gia đình sang Mỹ từ năm 13 tuổi, học ở Mỹ rồi đi làm, TS Nguyễn Đình Uyên (48 tuổi) từng làm việc cho cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA). Năm 2008, ông khiến bạn bè kinh ngạc khi quyết định về Việt Nam dạy học. Hiện ông Uyên là giảng viên Khoa Điện tử viễn thông ở Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM).

Năm 2015, ông Uyên là một trong số Việt kiều được Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM mời đi Trường Sa. Và trong chuyến đi này, ông Uyên đã làm được điều rất thiết thực. Đó là khi ra các điểm đảo, nhà giàn DK, thấy bộ đội quá thiếu thốn nước sinh hoạt, về đất liền ông Uyên và các đồng nghiệp đã sáng chế ra máy lọc nước đã qua sử dụng thành nước sạch.

Ông Lê Thanh Hải, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM nói chuyện với kiều bào

“Máy này sẽ lọc nước qua sử dụng thành nước sạch để bộ đội sử dụng lại. Hiện đề tài đang được Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định. Nếu được duyệt và cấp kinh phí, trong vài tháng nữa chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 20 máy, trước mắt cung cấp đủ cho 19 nhà giàn. Ra Trường Sa mới biết biển Việt Nam rất đẹp và giàu có, chúng ta phải giữ chính bằng sức lực của mình”, TS Uyên nói.

Ra Trường Sa mới biết biển Việt Nam rất đẹp và giàu có, chúng ta phải giữ chính bằng sức lực của mình

TS Nguyễn Đình Uyên

Ông Quách Hưng Tùng, kiều bào Mỹ. Ông qua Mỹ năm 1979 và đến đầu năm 1991, khi đất nước đã đổi mới, ông Tùng về lại quê hương đầu tư sản xuất thực phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu cho kiều bào khắp nơi trên thế giới. Hiện nhà máy của ông Tùng đặt ở H.Củ Chi (TP.HCM), tạo việc làm cho hơn 200 lao động.

Ông Tùng đau đáu về vấn đề Biển Đông bởi trong thời gian vừa qua, Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền VN thông qua các hành động phi pháp. “Bất kỳ công dân VN nào ở trong nước hay ở nước ngoài đều rất bức xúc, và mong muốn làm sao có được biện pháp hữu hiệu để giữ vững chủ quyền đất nước. Mỗi người con nước Việt đều phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc mình”, ông Tùng nói.  

Kiều hối ngày càng nhiều

Tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM trân trọng cảm ơn tình cảm đặc biệt của bà con kiều bào đã dành cho quê hương đất nước.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp kiều bào về làm ăn, sinh sống, tham gia đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Nhiều trí thức kiều bào tham gia hợp tác giảng dạy, đào tạo tại các trường đại học…

Do chính sách thu hút Việt kiều khiến lượng kiều hối chuyển về TP.HCM ngày càng nhiều hơn, bình quân mỗi năm tăng từ 8 - 10%. Riêng năm 2015 ước đạt khoảng 5,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm 2014.

Để mời gọi chuyên gia về Việt Nam làm việc, TS Nguyễn Quốc Bình đề xuất cần giao cho các chuyên gia làm chủ các chương trình dự án lớn, mạnh dạn giao trọng trách. Phải có ý thức tiếp nhận chuyên gia giống như tiếp nhận tài sản quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.