Cần Giờ là động lực để TP.HCM bứt phá

13/07/2023 04:13 GMT+7

Một khu đô thị lấn biển 2.800 ha đưa Cần Giờ thành TP biển nghỉ dưỡng đẳng cấp khu vực; một siêu cảng trung chuyển container trị giá tỉ USD biến Cần Giờ thành trung tâm logistics quốc tế..., huyện đảo nghèo nhất nhì TP.HCM đang đứng trước cơ hội "vàng" để hiện thực hóa giấc mơ phục dựng vị thế cảng biển viễn dương nổi tiếng một thời trên đường hàng hải Á - Âu.

"Giấc mơ" này đang gần hơn bao giờ hết khi dự án cầu Cần Giờ sau bao năm chờ đợi, cuối cùng đã chốt được thời điểm khởi công.

2025 khởi công cầu Cần Giờ và khu đô thị lấn biển

Tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM chiều 11.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin TP đang tiến hành các thủ tục điều chỉnh cục bộ khu đô thị lấn biển Cần Giờ, đồng thời đã trao đổi trực tiếp và yêu cầu nhà đầu tư cố gắng hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh để đến năm 2025 khởi công dự án này.

Cần Giờ là động lực để TP.HCM bứt phá - Ảnh 1.

Phối cảnh đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Cũng tại buổi giám sát trực tiếp của HĐND TP.HCM cùng ngày 11.7, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết Sở đã cơ bản hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án xây dựng cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh. Hiện dự án ở bước tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn và xin ý kiến của Bộ GTVT. Song song, Sở GTVT đang cùng địa phương rà soát chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến sẽ trình HĐND thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm nay để có thể khởi công vào ngày 30.4.2025.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu khẳng định cầu Cần Giờ là công trình hạ tầng cơ bản giúp người dân huyện đảo thực hiện giấc mơ "đổi đời". "Tôi đã chứng kiến quá trình lột xác Cần Giờ từ cái thời chỉ có một cách duy nhất đi vào đất liền nội đô, đó là bằng đò dọc. Mỗi ngày chỉ có 1 - 2 chuyến. Bà con rất khổ, không có nước sạch, không có điện. Sau này khi đường Rừng Sác được làm thay thế phà Dần Xây, nước sạch nối đến, điện được kéo về, bà con Cần Giờ chính thức đổi đời. Từ đó đến nay, đời sống người dân huyện đảo được nâng cao dần nhưng đường Rừng Sác hiện vẫn như đường cấp 3 đồng bằng. Trong khi với tất cả tài nguyên hiện có, Cần Giờ đáng ra đã phải bứt lên phát triển mạnh mẽ từ lâu rồi. Cầu Cần Giờ sẽ là phần mở bài cho cuộc đổi đời lần 2 này của Cần Giờ", ông Châu nói.

Theo ông Lê Hoàng Châu, cầu Cần Giờ sẽ kéo huyện đảo về gần hơn với TP.HCM, khoảng cách tới các quận 1, 3, 4, 7 chỉ ngang với đi từ Củ Chi. Khi đó khu vực Bình Khánh cũng có cơ hội được phát triển trở thành khu thị tứ vô cùng quan trọng. Người dân TP.HCM có thể lựa chọn mua nhà ở Bình Khánh, Cần Thạnh, Lý Nhơn rồi hằng ngày di chuyển đi làm ở trung tâm TP. Những khu vực đó về mặt khí hậu tốt hơn khu nội thành rất nhiều. Điều này sẽ giúp tái bố trí lại dân cư cho toàn TP. Cùng với sự hình thành của khu đô thị lấn biển, Cần Giờ sẽ thu hút được rất nhiều nhân tài, nhân lực, có thêm điều kiện phát triển khu du lịch về lịch sử, sinh thái. "Cần Giờ đang hội tụ đầy đủ các yếu tố để đột phá", Chủ tịch HoREA nhấn mạnh.

Cần Giờ là động lực để TP.HCM bứt phá - Ảnh 2.

Phối cảnh vùng trung tâm khu đô thị lấn biển Cần Giờ

H.M

Đưa cảng biển Cần Giờ về thời hoàng kim

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cũng chính thức trình UBND TP đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ với kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 teus). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571 ha, diện tích mặt nước khoảng 477,63 ha với công suất khoảng 16,9 triệu teus. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng hơn 5 tỉ USD (tương đương 128.000 tỉ đồng) thực hiện phân kỳ theo 7 giai đoạn từ nay đến 2030. Theo đề án, khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm, đồng thời tạo ra 6.000 - 8.000 việc làm cho nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục ngàn lao động khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics, khu phi thuế quan…

Siêu cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của VN cùng khu đô thị lấn biển là "2 con át chủ bài" mà lãnh đạo TP.HCM đang quyết liệt thúc đẩy nhằm mục tiêu đưa TP.HCM trở thành cực kinh tế biển lớn nhất cả nước thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với khu vực biển Cần Giờ.

Biến Cần Giờ thành điểm du lịch cạnh tranh với thế giới

"Thai nghén" từ những năm 2000, khu đô thị lấn biển Cần Giờ được Chính phủ phê duyệt thay đổi quy hoạch rộng gấp gần 5 lần (từ 600 ha quy hoạch năm 2003 tăng lên 2.870 ha) vào tháng 6.2020. Đây là dự án được trông chờ nhiều nhất trong công cuộc "lột xác" huyện đảo duy nhất giáp biển của TP.HCM. Có tổng vốn đầu tư khoảng 217.054 tỉ đồng, với mục tiêu xây dựng thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn... dự án được kỳ vọng sẽ biến Cần Giờ trở thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư đủ sức cạnh tranh với các khu lấn biển trên thế giới như ở Singapore , Miami (Mỹ), Úc...

Dẫn nhiều tài liệu lịch sử quan trọng, kỹ sư Vũ Đức Thắng, chuyên gia giao thông - quy hoạch, nhắc lại: Cần Giờ từng là cảng biển viễn dương phồn thịnh nổi tiếng trên con đường hàng hải phương Đông và cửa ngõ vào ĐBSCL. Nhiều năm sau, Cần Giờ mất dần vị thế của mình, nhường dần nguồn lực cho Gia Định, Cù lao Phố (Biên Hòa) và Sài Gòn. Cảng xưa, bến cũ nay chỉ còn là Rừng Sác vắng vẻ mênh mông.

"Giao thông nội địa là sống còn của cảng biển và đô thị. Xưa kia, đường sông chiếm ưu thế nên Cần Giờ là nơi lý tưởng để dừng chân, sang mạn, để tiếp ứng nguồn lực với đất liền, giao lưu vào sâu trong nội địa. Khi vận tải phát triển với nhiều xe tải nặng và nhanh, Cần Giờ không có đường bộ trở thành cách biệt, cô lập chơ vơ, dần dần bị quên lãng, biến thành rừng vắng. Giờ đây, nếu dự án cảng trung chuyển quốc tế thành hình, nếu hạ tầng giao thông kết nối nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện thì Cần Giờ hoàn toàn có thể được phục hưng thời hoàng kim", kỹ sư Vũ Đức Thắng kỳ vọng.

Cần Giờ là động lực để TP.HCM bứt phá - Ảnh 4.

Cần Giờ đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ sau khi cầu Cần Giờ chốt thời điểm khởi công

Hoàng Quân

Công trình đẳng cấp, đòi hỏi nguồn lực "đẳng cấp"

Chưa bao giờ, những dự án đột phá kinh tế Cần Giờ lại được lãnh đạo TP.HCM thể hiện quyết tâm triển khai và nhận được sự ủng hộ của người dân nhiều như giai đoạn này. Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: Người dân Cần Giờ xứng đáng được đổi đời thông qua các công trình hạ tầng này, Cần Giờ xứng đáng được đầu tư "ra tấm ra món" như vậy. Về lịch sử, Giồng Cá Vồ ở Cần Giờ là nơi người tiền sử đã sinh sống. Đây là di tích về khảo cổ học, nhân chủng học, là cái nôi chứng minh rằng người tiền sử đã từng cư ngụ ở khu vực phía nam, ngay tại Cần Giờ. Bên cạnh đó, đây là căn cứ địa của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác và là khu dự trữ sinh quyển hiếm hoi của VN. Cần Giờ đóng vai trò quan trọng cả về lịch sử, hiện tại và tương lai, không chỉ của TP.HCM mà của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Cần Giờ cần được quy hoạch tổng thể, bài bản, sau đó mới tính đến chuyện phân bổ nguồn vốn để kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia cùng phát triển. Phải chọn những nhà đầu tư có tầm, có năng lực và kinh nghiệm, có ý tưởng xuất sắc, không phải thả cửa tràn lan để doanh nghiệp nào có tiền cũng nhảy vào làm được. Như vậy sẽ phá nát hết. Nếu quyết tâm thì sau 2030, Cần Giờ hoàn toàn thể phát triển thành trung tâm kinh tế mạnh như Q.1 hiện nay. Chúng ta tạo ra "giấc mơ" là để cố gắng phấn đấu. Phải có nguồn vốn tập trung mạnh mẽ và quyết liệt như triển khai làm Vành đai 3 để hiện thực hóa giấc mơ đó.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM

Với tầm nhìn đó, Chủ tịch HoREA đề xuất cầu Cần Giờ phải đi đôi với nâng cấp đường Rừng Sác cùng dự án đường cao tốc Rừng Sác trên cao. Đường trên cao cần kết nối trực tiếp vào cao tốc Bến Lức - Long Thành, phục vụ nhu cầu khu đô thị lấn biển, cho cảng container quốc tế, phục vụ mục tiêu đưa Cần Giờ cất cánh. Từ cầu Cần Giờ, mạng lưới giao thông từ TP.HCM nếu có thể kết nối tới Vũng Tàu, tới Long Thành thuận lợi thì sẽ liên kết rất tốt với Long Hậu, cảng Tân Tập của Long An; kết nối ra QL50 nối TP.HCM đi xuống Gò Công của Tiền Giang và đưa vào đường ven biển phía đông qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Đây sẽ là cực tăng trưởng cực mạnh của cả vùng Đông - Tây Nam bộ.

"Tóm lại, muốn đầu tư các siêu dự án thì phải có tầm nhìn quy hoạch lớn, mang tính kết nối liên vùng, dài hạn, không phải chờ có tiền mới tính đến quy hoạch. Nếu không sớm đưa vào quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối bổ sung thì nguy cơ các dự án sẽ tiếp tục trở thành giấc mơ mãi không thực hiện được", ông Lê Hoàng Châu khuyến cáo.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM, cũng đồng tình quan điểm muốn phát triển Cần Giờ, phải tập trung nguồn lực rất lớn với quyết tâm rất cao. Theo ông, Cần Giờ là huyện có diện tích lớn nhất TP.HCM, sở hữu rất nhiều lợi thế về du lịch, cảng biển, logistics, có thế mạnh cả về hệ sinh thái thủy hải sản, có kết nối thuận lợi với Vũng Tàu, qua Đồng Nai, Bình Dương… Tuy vậy, rất nhiều hạ tầng cơ bản vẫn chưa có sẵn nên nếu bây giờ bắt tay vào làm luôn thì phải đến 2030, Cần Giờ mới có thể thật sự trở thành động lực tăng trưởng của TP.HCM. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.