Cần hơn 970 tỉ hỗ trợ người dân Cần Giờ chuyển 100% đi xe điện

22/08/2024 16:02 GMT+7

Đó là ước tính của nhóm nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo chính sách và giải pháp về giao thông cho phát triển kinh tế xanh tại TP.HCM do Thành ủy TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP và Trường đại học GTVT tổ chức chiều nay (22.8).

Cần hơn 970 tỉ hỗ trợ người dân Cần Giờ chuyển 100% đi xe điện- Ảnh 1.

Xe máy chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC; 37,7% nguồn phát thải bụi; 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn tại TP.HCM

TRẦN DUY KHÁNH

Chính sách tài chính ưu đãi là quan trọng hàng đầu

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, quy mô dân số khoảng 14 triệu người. Các hoạt động kinh tế, xã hội nhộn nhịp dẫn đến nhu cầu giao thông gia tăng nhanh chóng, gây áp lực hệ thống giao thông đô thị. Số lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh kéo theo tốc độ di chuyển dòng giao thông giảm, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông thường xuyên diễn ra, trong khi ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Hiện mỗi năm TP.HCM đang phát thải khoảng hơn 30 triệu tấn carbon, trong đó, ngành công nghiệp chịu trách nhiệm khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

"TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2030 kiểm soát tốt nguồn khí thải từ hoạt động GTVT, giảm 90% ô nhiễm không khí tăng thêm do hoạt động GTVT, dần tiến đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí metan, carbon toàn ngành. Tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng đã có cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và phân vùng một số khu vực để kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Do đó, thành phố muốn lắng nghe các ý kiến, đề xuất từ các chuyên gia, các bài học từ nước ngoài để xây dựng kế hoạch, chiến lược bài bản, có chính sách hiệu quả khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện" - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái - Trường đại học GTVT nhận diện để thúc đẩy sự phát triển cá nhân sử dụng xe điện, TP.HCM phải giải quyết 2 bài toán: một là với đối tượng mua xe mới, hai là đối tượng đã và đang sở hữu phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Với cái mới thì phải có quy chuẩn ra sao, cái cũ thì chuyển đổi như thế nào.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Thái, giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích các bến xe, trạm dừng nghỉ xây dựng mới và hiện hữu chuyển đổi theo tiêu chí xanh.

Đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Cần hơn 970 tỉ hỗ trợ người dân Cần Giờ chuyển 100% đi xe điện- Ảnh 2.

Cần Giờ được đề xuất là địa phương đầu tiên thí điểm chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch


Cần Giờ được chọn để khai mở cuộc chuyển đổi

TS Phan Thụy Kiều - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM thì cho rằng việc triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông và kiểm soát khí thải phương tiện tại TP.HCM cần được triển khai cho từng nhóm đối tượng, từng khu vực cụ thể trước khi áp dụng trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, Cần Giờ sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm các chính sách.

Lý giải vì sao chọn Cần Giờ, bà Phan Thụy Kiều phân tích: Nghị quyết 12-NQ/TU của Thành ủy TP.HCM là đến năm 2030 sẽ "Xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường". Bên cạnh đó, Cần Giờ đang xây dựng chương trình hành động vì một Cần Giờ Xanh, trong đó có nhóm nội dung phát triển giao thông xanh như xe buýt điện, xe máy điện theo mô hình chia sẻ, khuyến khích khách du lịch sử dụng các phương tiện giao thông xanh, nhằm kiểm soát khí thải, góp phần đưa Cần Giờ hoàn thành mục tiêu giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng "0" vào năm 2050.

Ngoài ra, cấu trúc mạng lưới đường bộ hiện nay của huyện đảo rất thuận lợi phát triển hệ thống giao thông công cộng tần suất cao gồm tuyến trục và tuyến nhánh do nhu cầu đi lại tập trung theo tuyến đường Rừng Sác và các tuyến kết nối với các khu dân cư tập trung.

"Huyện Cần Giờ tập trung lượng khách du lịch lớn, tuy nhiên là huyện có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tại TP.HCM. Do vậy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi và khuyến khích chuyển đổi phương tiện còn nhằm đạt mục tiêu an sinh xã hội và phát triển bền vững cho địa phương" - bà Phan Thụy Kiều nói.

Theo nhóm nghiên cứu, trên 70% phương tiện lưu thông trên các tuyến đường tại huyện Cần Giờ là xe máy, tiếp theo là xe ô tô cá nhân chiếm khoảng 5 - 20% và xe khách, xe buýt. Do vậy, các giải pháp phát triển giao thông xanh cần tập trung vào phương tiện xe máy như khuyến khích chuyển đổi sang xe máy điện, sử dụng giao thông công cộng, cung cấp bãi gửi xe máy cá nhân tại các đầu mối giao thông, ngoài ra có thể xem xét các giải pháp hạn chế lưu thông trên một số tuyến đường, làn đường đối với xe máy xăng.

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề xuất lộ trình thực hiện chính sách hỗ trợ như sau:

- Trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí khi chuyển đổi phương tiện giao thông cho các hộ nghèo; hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% kinh phí. Đối với cá nhân, hộ gia đình khác, hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số đối với xe máy điện; Duy trì lãi suất vay ưu đãi khi mua xe máy điện giảm xuống còn 4%/năm đối với cá nhân, hộ gia đình mua xe máy điện trả góp trong suốt thời gian vay.

- Trong giai đoạn 2026 - 2027: Phấn đấu mỗi hộ gia đình chuyển đổi ít nhất một phương tiện giao thông. Trong đó, hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định cho tất cả cá nhân, hộ gia đình duy trì như giai đoạn 2024 - 2025.

- Từ 2028 - 2030: Thành phố sẽ khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình còn lại chuyển đổi phương tiện giao thông hoặc mua xe máy điện mới thông qua việc hỗ trợ lệ phí trước bạ và lãi suất cho vay cố định như trên.

Ước tính, tổng kinh phí thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch tại huyện Cần Giờ là khoảng 974,4 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách đảm nhiệm khoảng 384,1 tỉ đồng; vốn từ doanh nghiệp, xã hội hóa khoảng 590,4 tỉ đồng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.