Cần hướng đi cho làng nghề sơn mài

18/05/2015 10:55 GMT+7

Làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp (P.Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) đang cần sự quan tâm và định hướng của các cấp chính quyền trước khi bị mai một.

Làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp (P.Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) đang cần sự quan tâm và định hướng của các cấp chính quyền trước khi bị mai một.

Ông Lê Bá Linh giới thiệu sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp
Ông Lê Bá Linh giới thiệu sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp - Ảnh: Huy Anh
Vào năm 2008, Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài tỉnh Bình Dương được thành lập nhưng hoạt động của hội còn nhiều hạn chế. Đến ngày 28.9.2011, UBND tỉnh Bình Dương đã ra Quyết định số 2799 về việc “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống” nhằm cứu vãn ngành nghề truyền thống một thời hưng thịnh trên địa bàn. Tuy nhiên, làng nghề sơn mài ngày càng mai một.

 

Không phủ nhận những gì hiệp hội mang lại về việc cung cấp thông tin đến hội viên, tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm nhưng nhìn chung thì hoạt động của hội chỉ đạt khoảng 40% những gì đặt ra

Ông Linh chia sẻ

Mất thị trường
Ông Lê Bá Linh, Phó chủ tịch Hiệp hội Điêu khắc và Sơn mài Bình Dương cho biết: “Thị trường tiêu thụ sơn mài ra nước ngoài đến nay hầu như không còn. Sản phẩm sơn mài đang lệ thuộc rất nhiều vào thương lái”.
Theo ông Linh, hiện số hội viên hoạt động chính thức của hiệp hội chỉ còn 30 hộ. Nhiều hộ trước đây sống chủ yếu bằng nghề sơn mài thì nay phải kiếm những công việc khác để đảm bảo cuộc sống như làm vườn, làm thợ hồ, làm công nhân tại các khu công nghiệp, chế biến hạt điều…Ngoài những cơ sở sản xuất lớn thì những hộ còn lại đa phần làm vệ tinh cho các công ty, xí nghiệp.
“Họ là những người yêu nghề, muốn lưu giữ lại những nét tinh hoa của văn hóa Việt trên sản phẩm sơn mài nhưng lấy nghề để sống thì không nổi”, ông Linh nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Quân, Phó chủ tịch UBND P.Tương Bình Hiệp (TP. Thủ Dầu Một) cho biết, nghề sơn mài một thời góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình, tích cực đóng góp vào các công trình phúc lợi xã hội nhưng đến nay nhắc đến nó người dân không còn mặn mà nữa. “Hiện tại số hộ sản xuất sơn mài mà xã quản lý chỉ còn 90 hộ. Số hộ làm nghề giảm nhiều so với thời kỳ hưng thịnh của sơn mài”, ông Quân nói.
Cần hướng đi mới cho làng nghề
Ngoài việc UBND tỉnh Bình Dương đang cố giắng bảo tồn làng nghề sơn mài, thì Sở KH-CN, Sở Công thương và Sở VH-TT-DL cũng đã xây dựng nhiều đề án trong việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn liền với sự phát triển đô thị, kinh tế, du lịch của địa phương.
“Nếu tất cả những đề án này được thực hiện thì đây là một điều rất đáng quý cho làng nghề vì đây là một nghề truyền thống quý báu. Những sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp thể hiện đầy đủ nét tinh hoa văn hóa dân tộc và kỹ thuật điêu khắc người lao động Việt”, bà N.T.Đ, một nghệ nhân sơn mài ở P. Tương Bình Hiệp cho hay.
Cũng theo nhiều nghệ nhân ở P. Tương Bình Hiệp, hiện tại thương hiệu sơn mài Tương Bình Hiệp đã được du khách quốc tế quan tâm lại. Đã có một số đơn đặt hàng lớn trong và ngoài nước đến với các cơ sở sản xuất, nhưng đa phần các hộ sản xuất còn đơn lẻ nên không chưa đáp ứng đầy đủ các đơn đặt hàng đó.
“Xét về lâu dài, chúng tôi rất cần một sự quy hoạch trọn vẹn của các cấp lãnh đạo Nhà nước đối với làng nghề sơn mài. Khi có được sự ổn định, sự tập trung trong công việc thì người thợ, người lao động yên tâm sản xuất. Những người bỏ tiền đầu tư không phải bận tâm suy nghĩ nhiều đến sự cạnh tranh nhỏ lẻ mà chuyên tâm thực hiện những kế hoạch phát triển chất lượng sản phẩm”, bà N.T.Đ tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.