Cần khẩn cấp di dời hàng ngàn cột điện giữa đường

08/08/2023 08:47 GMT+7

Vụ tai nạn khiến nam thanh niên tử vong do đâm phải cột điện chưa di dời tại tỉnh Thanh Hóa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng "làm đường trước, di dời cột điện sau" đang tồn tại ở nhiều nơi.

TẮC TRÁCH Ở NHỮNG CÔNG TRÌNH

Những ngày qua, người dân và dư luận quan tâm đặc biệt đến vụ tai nạn giao thông khi anh N.V.C (30 tuổi, ngụ P.Quảng Phú, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa) tử vong tại chỗ do đâm phải cột điện ở giữa đường giao thông vào sáng ngày 2.8. Vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường mới được xây dựng ở xã Hoằng Kim (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa).

Cần khẩn cấp di dời hàng ngàn cột điện giữa đường - Ảnh 1.

2 cột điện nhiều năm qua nằm giữa lòng đường nối từ tỉnh lộ 510B đến SVĐ xã Hoằng Trường (H.Hoằng Hóa)

MINH HẢI

Thực trạng cột điện giữa lòng đường chủ yếu do các địa phương thực hiện việc mở rộng đường giao thông, nhưng chưa thực hiện xong việc di dời đường điện. Từ đó dẫn tới việc hàng ngàn cột điện nằm giữa lòng đường gây nguy hiểm cho người dân.

Theo khảo sát của PV Thanh Niên, có rất nhiều nơi diễn ra thực trạng cột điện nằm trong lòng đường. Và cũng trên địa phận xã Hoằng Kim, nơi vừa xảy ra vụ tai nạn chết người, hiện nay đang thi công mở rộng tuyến đường nối từ QL1A qua địa phận các xã Hoằng Kim, Hoằng Xuân, tình trạng nhiều cột điện chưa được di chuyển đang nằm dưới lòng đường (sau khi mở rộng đường) là một trong nhiều ví dụ.

Tại xã Hoằng Trường (H.Hoằng Hóa), đoạn đường dài khoảng hơn 200 m, nối từ tỉnh lộ 510B đến sân vận động (SVĐ) xã này, dù đoạn đường đã làm xong, đưa vào sử dụng nhiều năm qua nhưng vẫn để 2 cột điện giữa lòng đường. Trong khi, SVĐ xã này thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội, có ngày có tới hàng trăm lượt người qua lại nên gây nguy hiểm cho người dân, nhất là khi trời tối. "Đã gần 3 năm rồi mà không hiểu sao 2 cột điện nằm giữa lòng đường không được di dời, trong khi đường đã đưa vào sử dụng. Đường không chỉ cho người dân đến SVĐ xã, còn là đường dân sinh phục vụ đi lại của nhiều hộ dân, người dân đi làm đồng, nên để như thế rất nguy hiểm", một người dân xã Hoằng Trường bức xúc nói. Vụ tai nạn xảy ra ở xã Hoằng Kim như nêu trên cũng cho thấy rõ sự tắc trách của chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng H.Hoằng Hóa khi từ tháng 4 Công ty điện lực Thanh Hóa đã có văn bản đồng ý cho UBND H.Hoằng Hóa di dời các cột điện để thi công đường. Tuy nhiên, chủ đầu tư thi công đường xong đang triển khai di dời cột điện thì trong khoảng thời gian đó xảy ra tai nạn.

Ông Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng H.Hoằng Hóa, thừa nhận dự án đường giao thông kết nối đường Kim Sơn với tỉnh lộ 509 (xã Hoằng Kim - đoạn đường xảy ra tai nạn) về nguyên tắc phải giải phóng xong mặt bằng, tức là di dời các cột điện mới tiến hành thi công, xây dựng, nhưng đã làm đường, rải nhựa xong vẫn chưa di dời các cột điện.

Ông Tú cho hay: "Sau vụ tai nạn, chúng tôi cùng với các đơn vị đã cắm thêm biển cảnh báo, rào chắn các lối vào đoạn đường để người dân không đi lại vì đoạn đường chưa quyết toán, bàn giao. Chúng tôi cũng đang cố gắng để tiến hành di dời các cột điện ra khỏi con đường một cách sớm nhất".

3.120 CỘT ĐIỆN CHƯA DI DỜI

Theo số liệu tổng hợp của Sở Công thương Thanh Hóa, tính đến ngày 26.7, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa còn tồn tại 3.120 cột điện nằm trong lòng đường do mở rộng đường giao thông nhưng đến nay chưa được di chuyển. Trong tổng số 3.120 cột điện nằm trong lòng đường thì có 3.033 cột điện hạ thế; 87 cột điện trung thế.

Nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa có số cột điện nằm trong lòng đường nhiều, nhưng chưa kịp thời di chuyển, như: H.Yên Định còn 1.173 cột, H.Hậu Lộc 293 cột, TX.Nghi Sơn 61 cột, H.Cẩm Thủy 80 cột, H.Như Thanh 53 cột, H.Thiệu Hóa 243 cột, H.Quảng Xương 400 cột… Riêng trên địa bàn H.Hoằng Hóa, địa phương vừa xảy ra vụ tai nạn chết người, còn 35 cột nằm trong lòng đường chưa được di dời.

Cũng theo Sở Công thương Thanh Hóa, tồn tại cột điện trong lòng đường là do ngân sách các địa phương hạn hẹp, tiền thu từ sử dụng đất năm 2023 giảm, nên một số địa phương chưa bố trí được nguồn vốn để di dời cột điện, trong khi do số lượng cột điện phải di chuyển nhiều.

Trước thực trạng trên, ngày 3.8, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu chính quyền các địa phương, Sở Công thương và Công ty điện lực Thanh Hóa phải thực hiện di chuyển tất cả cột điện dưới lòng đường xong trước ngày 31.12.2023.

Như vậy, nếu thực hiện được như văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa thì hết năm 2023 hơn 3.000 cột điện dưới lòng đường mới di dời xong. Và không ai chắc chắn trong khoảng thời gian ấy sẽ không còn vụ tai nạn giao thông nào do đâm phải cột điện!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.