Cần khảo sát toàn diện

02/08/2014 03:00 GMT+7

Nếu đã làm phải làm cho tới và có hiệu quả, đừng làm lấy lệ. Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Sự hài lòng của người dân trên Thanh Niên ngày 1.8.

Nếu đã làm phải làm cho tới và có hiệu quả, đừng làm lấy lệ. Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Sự hài lòng của người dân trên Thanh Niên ngày 1.8.

Rất cần thiết

Khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính như Hà Nội đang làm là điều rất cần thiết, rất đáng mừng. Phải như vậy thì những công bộc của dân mới thực sự ở trong tâm thế “phục vụ” thay cho tư tưởng “ban phát” đang tồn tại rất nhiều trong công chức, viên chức nhà nước hiện nay. Võ Hoàng Sang (hoangsangchauthanh@yahoo.com)

Để hiệu quả hơn

Mong nhà nước định kỳ 6 tháng khảo sát một lần để chống tiêu cực trong cán bộ cũng như giúp người dân hài lòng, tin tưởng cán bộ, nhà nước. Bên cạnh đó, cần thiết lập ứng dụng khảo sát ý kiến, mức độ hài lòng của dân trên các trang web của sở, ngành, cơ quan nhà nước để người dân tiện phản ánh và phản ánh một cách nhanh nhất. Ngô Quang Hiền (quanghien_ngo45@yahoo.com)

Khảo sát từ nhiều phía

Sự giao tiếp giữa cán bộ - công dân luôn có tính 2 chiều, nếu khảo sát sự hài lòng của người dân đối với cán bộ thì cũng nên có khảo sát cái nhìn của cán bộ đối với công dân trong một số tình huống, lĩnh vực. Từ đó, đưa ra những hướng dẫn thế nào cho phù hợp với công dân khi đến làm những thủ tục tại cơ quan nhà nước. Mai Thi Sương (thusuongpho@yahoo.com)

Cần mở rộng nội dung và đối tượng

Những đợt khảo sát là thước đo rất quan trọng để người dân được “chấm điểm” công chức. Tuy nhiên theo tôi, ngoài các câu trả lời mang tính “trắc nghiệm”: “rất hài lòng”, “hài lòng” và “không hài lòng”, cần mở rộng thêm nội dung vì sao người dân chưa hài lòng. Từ đó, các cơ quan công quyền tự nhìn nhận lại mình để có sự cải thiện cho công việc ngày càng trôi chảy. Lâu nay, trong các thủ tục hành chính một số lĩnh vực nóng: nhà đất, tư pháp, xây dựng…bị người dân kêu ca nhiều, bây giờ có đổi mới nhưng so với yêu cầu vẫn còn nhiều việc phải làm. Vì vậy, không chỉ TP.HCM hay Hà Nội mà nhiều địa phương khác trong cả nước cũng phải thường xuyên khảo sát, “đo” sự hài lòng của người dân. Trần Văn Phương (siphuong1990@gmail.com)

Ngoài khảo sát thái độ, chất lượng phục vụ, theo tôi cần quan tâm đến hiệu quả công việc, thời gian giải quyết chậm hay nhanh so với quy định... Có thái độ niềm nở, vui vẻ với dân cũng chưa đủ, mà cần phải đúng hẹn trả hồ sơ và giải quyết hồ sơ chất lượng. Đào Văn Thọ (Q.Bình Tân, TP.HCM)

Sau khi khảo sát, có kết quả rồi sẽ làm gì tiếp theo? Đó là vấn đề quan trọng. Nếu đã làm phải làm cho đến cùng, cho đạt hiệu quả và chất lượng phục vụ sẽ được nâng cao. Lê Thị Mai (Q.8, TP.HCM)

Thanh Đông 
(thực hiện)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

>> Sự hài lòng của người dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.