Cần khuếch trương quảng bá hàng Việt

03/12/2016 19:35 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết Quảng bá hàng Việt lép vế và Lãng phí cơ hội đăng trên Thanh Niên ngày 2.12.

Vấn đề là chất lượng
Tôi đồng ý rằng phải quảng bá mạnh hàng Việt ra thế giới, song vấn đề là phải khẳng định chất lượng đối với người tiêu dùng. Cạnh tranh khốc liệt trên thương trường đòi hỏi nhà sản xuất phải có tâm và có tầm. Nếu quảng bá mạnh mà thiếu chiến lược kinh doanh thì cũng rất khó phát triển. Sự vươn ra và thao túng thị trường Việt của các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan những năm qua cho thấy chúng ta đã chậm chân, và hàng Thái cũng đã định hình rất rõ trong thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Đó là điều đáng tiếc, nhưng không phải là không thể giành lại. Tôi tin người Việt vẫn có tâm lý chuộng hàng Việt, nếu hàng Việt có chất lượng, mức giá cạnh tranh.
Nguyễn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Điều nghiên kỹ thị trường
Sản phẩm Việt phù hợp với thị trường nào, phân khúc nào sẽ được người tiêu dùng các nước chọn lựa và loại hàng nào thì phù hợp với tâm lý, tập tục tiêu dùng của người nước đó… Tất cả sẽ phải điều nghiên kỹ, nếu không thì cũng khó mà trụ được. Theo tôi, các hiệp hội ngành nghề phải năng động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc này. Doanh nghiệp lớn mạnh thì hiệp hội đó sẽ càng có uy tín. Mối tương hỗ này rất quan trọng, không thể để doanh nghiệp tự bơi. Do vậy, kênh phân phối hàng của các doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng, đặc biệt là thế mạnh về các loại nông sản nhiệt đới như ở nước ta. Nếu điều nghiên kỹ, cộng với chiến lược quảng bá khoa học thì hàng Việt cũng sẽ có chỗ đứng ở nước ngoài.
Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Phải có chiến lược
Thử nhìn các thương hiệu lớn của VN đang có tham vọng vươn ra thế giới như cà phê Trung Nguyên, Ninomax... để xem mức độ thành công của hàng Việt thế nào? Tất cả cũng chỉ là tham vọng. Làm sao có thể thành công được khi doanh nghiệp tự mở cửa hàng, tự làm marketing, xây dựng thương hiệu… ở các thị trường lớn hơn, chuyên nghiệp hơn ta? Khó khăn về tài chính và cả trong chiến lược quảng bá thương hiệu đã dẫn đến thất bại. Nếu không có chiến lược cụ thể cùng sự hậu thuẫn lớn từ nhà nước thì quả thật rất khó để đẩy thương hiệu, sản phẩm Việt trở nên mạnh mẽ, được nhiều người biết đến trên trường quốc tế.
Nguyễn Mỹ Linh (Q.4, TP.HCM)
Nhiều kênh quảng bá
Một khi mở cửa thị trường thì cuộc cạnh tranh giữa hàng nội và hàng ngoại sẽ trở nên khốc liệt. Vì vậy, công việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt càng trở nên quan trọng không chỉ thị trường quốc tế mà còn cả trong nước. Thử điểm qua thị trường mỹ phẩm trong nước xem có bao nhiêu thương hiệu được người Việt biết đến trong khi nói đến mỹ phẩm Hàn, Thái là người Việt biết nhiều và rất ưa chuộng. Họ quảng bá sản phẩm không chỉ qua các hội chợ, siêu thị mà còn thông qua những con đường dễ đưa đến trái tim người tiêu dùng, nhất là phim ảnh. Sự chuyên nghiệp trong quảng bá sản phẩm của Hàn, Nhật, Thái… đáng để chúng ta học hỏi.
Lê Thị Bích Đào (Q.3, TP.HCM)
Muốn quảng bá được thương hiệu của một ngành hàng nào đó ra nước ngoài thì bản thân một doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực mà cần phải có sự hỗ trợ từ hiệp hội ngành nghề hoặc nhà nước. Hơn ai hết, các hiệp hội ngành nghề cần đề ra chiến lược quảng bá sản phẩm của ngành nghề mình để thị trường trong nước biết, sau đó mới vươn ra thế giới.
Trần Thị Hồng (Q.9, TP.HCM)
Tôi từng đi hội chợ hàng Thái và thấy cách họ bán hàng, tiếp thị sản phẩm rất có duyên và hiệu quả. Có thể không quá rầm rộ như kiểu quảng cáo trên truyền hình nhưng chỉ cần đều đặn, hết TP.HCM là họ ra Hà Nội, Đà Nẵng và ngược lại để mở hội chợ. Dần dần, người tiêu dùng sẽ biết đến sản phẩm đó và giới thiệu cho nhiều người cùng mua.
Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang (thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.