Cần khuyến khích người dân sáng tạo

18/09/2016 14:01 GMT+7

Không nên có sự phân biệt tư nhân - nhà nước trong việc nghiên cứu khoa học công nghệ. Thay vì ngăn cấm, các cơ quan chức năng nên xây dựng những hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho phát triển.

Đó là quan điểm của GS-TS khoa học Dương Ngọc Hải (ảnh), Ủy viên Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN VN, khi trả lời PV Báo Thanh Niên.
Nghiên cứu KHCN tại sao lại ngăn cấm?
Tư nhân hay không phải tư nhân có gì khác nhau? Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là làm sao anh đưa ra được những hành lang pháp lý chuẩn để mọi người đi lại, hoạt động chứ không phải chỉ đạo đi hướng này, hướng kia
Những năm qua, liên tục có những trường hợp “nông dân” chế tạo máy bay trực thăng, xe bọc thép, tàu ngầm như ông Hải (Tây Ninh), ông Hiển (Bình Dương), ông Lê Văn Thỏa (ở Nghệ An)… Vấn đề được dư luận đặt ra là trong khi những kỹ sư “hai lúa” dám làm và làm thành công thì nhiều đề tài khoa học được nhà nước chi tiền tỉ để nghiên cứu nhưng không biết đi về đâu. Ông đánh giá như thế nào về việc này và câu hỏi dư luận đặt ra?
Việc này đúng là đặt ra nhiều điều đáng suy nghĩ. Câu hỏi có thể đặt ra là tại sao những công trình, sản phẩm đó không được bắt đầu từ những cơ quan liên quan đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà lại là những người nông dân hoặc những nhà kỹ thuật riêng lẻ? Theo tôi, một trong số những lý do là cách tổ chức của chúng ta chưa phù hợp để đáp ứng ngay những đòi hỏi của thực tế. Về phía các cơ quan nhà nước, theo cơ chế một đề tài, công trình nào đó phải đúng do cơ quan có trách nhiệm đặt ra mới được xem xét. Cơ quan khác muốn đặt ra cũng không được. Bản thân cơ quan có trách nhiệm khi đặt ra vấn đề thì để đi đến kết quả cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục.
Các đề tài, nghiên cứu dùng kinh phí nhà nước hầu như bao giờ cũng được yêu cầu phải có kết quả thành công, trong khi thực tế không thể khẳng định 100% là có thành công hay không. Trong khi đó người dân họ tự làm thành công thì tốt mà không thành công thì họ tự chịu trách nhiệm. Ở đây có câu chuyện cơ chế cấp tiền, cơ chế quyết định công việc hoàn toàn khác nhau. Người làm khoa học thì mong muốn có cơ chế cấp tiền để giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra làm sao nhanh gọn, nhưng thực tế rất khó. Đơn cử như các viện nghiên cứu làm kế hoạch từ đầu năm nay nhưng nếu suôn sẻ thì phải đến đầu năm sau mới được cấp kinh phí. Trong khi nhu cầu xã hội họ không chờ được.
Cần khuyến khích người dân sáng tạo
GS-TS khoa học Dương Ngọc Hải
       
Quay lại câu chuyện chế tạo trực thăng, tàu ngầm… giả sử như một cơ quan nghiên cứu nhà nước đặt ra những vấn đề đó thì họ sẽ phải trả lời rất nhiều câu hỏi từ các cấp. Chế tạo để làm gì? Định đi đến đâu? Có công nghiệp hay không công nghiệp… Rất khó có ai có thể đứng ra bảo vệ được. Chưa kể nếu được chấp nhận thì còn rất nhiều hội đồng, ban bệ cho ý kiến. Tôi xin dẫn chứng một ví dụ thực tế là năm ngoái chúng tôi có đề xuất một công trình chế tạo thiết bị lặn cá nhân có thể phục vụ cho cả mục tiêu kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Đề tài được đưa lên Viện Hàn lâm KH-CN VN, sau đó Viện chuyển lên Bộ KH-CN, nhưng cả năm nay không có ai trả lời. Cũng không ai biết đang tắc nghẽn ở đâu, vướng mắc thế nào. Trong khi nhiều cơ quan, tổ chức cho biết họ đang rất cần.
Năm 2015 trả lời chất vấn trước Quốc hội liên quan đến việc nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất, Bộ trưởng Bộ KH- CN Nguyễn Quân đã cho biết hằng năm chi cho KHCN lên tới khoảng 3.000 tỉ đồng. Theo ông, những hạn chế trong việc đưa ra những kết quả cụ thể từ nghiên cứu có do đầu tư chưa đúng chỗ, chưa đúng người đúng việc, cơ chế “xin - cho” hay do những rào cản từ sự quan liêu của hệ thống?
Hiện nay, nói là KHCN được ưu tiên nhưng những khi cần tiết kiệm hoặc chuyển vốn cho những vấn đề cấp thiết khác thì kinh phí cho KHCN ở địa phương hay kể cả T.Ư là nơi được tiết kiệm đầu tiên. Về chuyện cấp tiền nhiều thì đối với công tác nghiên cứu KHCN không phải cấp một lần là xong. Điều quan trọng là phải có kinh phí để đội ngũ làm khoa học được cập nhật thường xuyên, đặc biệt là khi không có đặt hàng rõ ràng từ phía nhà nước. Để đào tạo một người làm khoa học tương đối độc lập thì mất ít nhất 12 - 15 năm. Nhưng đào tạo ra rồi, anh là tiến sĩ, giáo sư rồi nhưng nếu ngừng theo dõi, cập nhật lĩnh vực 1 - 2 năm, không có thường xuyên tiếp xúc các nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực của mình thì anh sẽ lạc hậu nhanh chóng. Đặc biệt trong bối cảnh KHCN phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Một vấn đề nữa là thủ tục. Năm 2003, sau khi được Chính phủ cho phép, Hội Cơ học VN đã phối hợp với một Việt kiều Canada là một chuyên gia về máy bay loại nhỏ đã đầu tư sản xuất chế tạo máy bay siêu nhẹ VAM-1 rồi VAM-2. Nhưng thủ tục nghiệm thu bay thử rất phức tạp. Tháng 12.2005, VAM-1 được thử nghiệm sau đó rơi vào cảnh "đắp chiếu". VAM-2 đã được hoàn thiện nhưng chưa được nghiệm thu và không được cất cánh. Cá nhân tôi tham gia hội đồng nghiệm thu nhưng nhiều năm không thấy họp sau dự án này rơi vào lãng quên.
Lúc đó cũng có nhiều tranh cãi về thiết kế này kia có phải do VN sáng tạo không mà quên mất rằng có nhiều thứ chúng ta có thể kế thừa, ứng dụng chứ không ai đi phát minh lại chiếc bánh xe. Các bên liên quan mải tranh cãi luẩn quẩn trong khi dự án đó nếu thành công có thể đáp ứng nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng máy bay nhỏ cho các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; tuần tra kiểm soát trên biển, du lịch...
Những cách thức, tư duy như thế làm cho mọi việc rất khó khăn. Rất nhiều nhà khoa học sau một, hai lần như thế họ nản lòng. Họ muốn dành thời gian công sức cho những việc ra sản phẩm thay vì mất hàng năm đi các “cửa” để thuyết minh cái này, thuyết phục cái kia trong khi cuộc sống thì không chờ đợi.
Nên tôn trọng, động viên, ủng hộ phát minh
Câu chuyện “nông dân” chế tạo máy bay trực thăng, tàu ngầm cho thấy ngoài hệ thống chính thống thì năng lực xã hội cho sáng tạo những sản phẩm KHCN như thế là có. Theo ông nên nhìn nhận và tiếp nhận “trào lưu” đó như thế nào?
Tôi cho rằng nên tôn trọng sự đa dạng của xã hội. Với những sáng tạo, phát minh như vậy chúng ta nên động viên, ủng hộ và tuyên dương sau khi kiểm tra. Nhưng khoản kiểm tra này chúng ta làm cũng rất lằng nhằng. Thích thì kiểm tra xác nhận, không thích thì “ngâm” đấy. Ba tháng, sáu tháng, một năm đến lúc máy bay han gỉ không bay được nữa thì bắt bay. Đấy là số phận của VAM-1 VAM-2.
Thực tế của chúng ta là vận hành nhà nước nó thong dong lắm. Khi mọi người đang phấn khích chờ cấp phép thì hội đồng 6 tháng mới họp một lần vì các ủy viên ai cũng bận lắm. Chờ họp xong thì số phận máy bay cũng… xong theo. Nói ủng hộ, động viên thì dễ nhưng thực tế nhiều vấn đề lắm. Việc cấp phép, kiểm tra an toàn kỹ thuật là cần thiết nhưng ngâm đến sáu tháng, một năm thì chết người ta rồi. Quay lại vẫn là vấn đề tổ chức xã hội. Làm sao vẫn cẩn thận nhưng vẫn đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Chiếc tàu ngầm của anh Nguyễn Quốc Hòa mất cả mấy năm trời mới được cấp phép thử nghiệm. Có những cái chờ được nhưng có những cái không chờ được.
Những hoạt động như thế theo tôi là tốt, nên được khuyến khích. Tất nhiên điều đó không có nghĩa các hoạt động tự phát này có thể thay thế các đơn vị KHCN mà là một dạng nghiên cứu KHCN khác. Chúng ta không nên đồng nhất hóa, vì làm thế là mất đi sự đa dạng. Hoạt động nghiên cứu KHCN cũng có thể là của tư nhân được chứ. Ở Mỹ có công ty bỏ hàng trăm triệu USD để nghiên cứu đưa người lên vũ trụ. Quan trọng là nhà nước đưa ra được những cái chuẩn để người ta đáp ứng. Nghiên cứu KHCN tại sao lại ngăn cấm? Tư nhân hay không phải tư nhân có gì khác nhau? Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng là làm sao anh đưa ra được những hành lang pháp lý chuẩn để mọi người đi lại, hoạt động chứ không phải chỉ đạo đi hướng này, hướng kia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.