Hạn hán hoành hành
Đoạn đường từ quốc lộ 14 rẽ vào buôn Ea Kroa, xã Cư Né, H.Krông Búk (Đắk Lắk) phải băng qua đập nước K’Đrô. Ai qua đây cũng đều ngỡ ngàng khi thấy lòng đập sâu hoắm trơ cả đáy nứt nẻ dưới cái nắng chang chang của mùa khô. Phía hạ lưu con đập, nhiều nông dân lưng trần, mồ hôi nhễ nhại đào giếng mới hoặc nạo vét thêm giếng cũ để tìm nguồn nước tưới cà phê. Ông Lương Văn Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Né, cho biết đập K’Đrô tưới cho gần 200 ha cà phê xung quanh nhưng mới tưới được một đợt thì khô nước, trong khi cây cà phê có nhu cầu tưới tối thiểu là 3 đợt. Ông Sâm thất vọng: “Trời còn gió mùa đông bắc thổi ào ào như ri là khô hạn còn kéo dài. Xã Cư Né có trên 2.000 ha cà phê thì gần một nửa diện tích đã thiếu nước tưới. Vụ cà phê năm nay chưa nói mất trắng, chứ giảm đậm năng suất là cầm chắc”.
|
Hiện phần lớn hồ đập, suối lớn, suối nhỏ ở xã Cư Pơng cũng đều cạn kiệt. Đứng dưới lòng hồ Ea Liăng khô khốc, ông Ae Nghi ở buôn Ajun, xã Cư Pơng chỉ tay về ngọn đồi phía trên có 2 ha cà phê của gia đình, nói: “Mình tưới chưa xong đợt thứ hai thì nước hồ này đã cạn, phải bỏ cuộc chờ trời mưa vì không còn tiền thuê đào giếng”. Ngay cạnh hồ Ea Liăng là 1 ha cà phê của ông Ae Hék cũng cùng cảnh ngộ, lá bắt đầu héo rũ, hoa trên cây đã khô đen. Nhìn vườn cây, ai nấy đều nhận định cà phê không thể cầm được trái non khi cành lá đã teo tóp.
Diện tích Tăng nhanh Chi phí đầu tư cho cà phê ngày càng lớn nhưng diện tích cà phê vẫn cứ được mở rộng một cách tự phát. Năm 2010, Đắk Lắk đã trồng mới 1.921 ha cà phê. Cục Thống kê Đắk Lắk vừa công bố tỉnh này có 190.765 ha cà phê trong khi theo kế hoạch phát triển cà phê của tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2015, diện tích ổn định ở mức 160.000 ha. |
Ông Nguyễn Văn Pháp, Trưởng phòng NN-PTNT H.Krông Búk cho biết, Cư Né và Cư Pơng là hai xã bị khô hạn nặng nhất của huyện này. Toàn huyện có hơn 21.000 ha cà phê đang vào mùa ra hoa kết trái, nhưng hiện gần 5.000 ha thiếu nước. Trên địa bàn huyện có 37 công trình thủy lợi nhỏ, chỉ đủ tưới khoảng 20% diện tích cà phê.
Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai Đắk Lắk, hiện 10/15 huyện, thị xã trong tỉnh xảy ra khô hạn với 12.575 ha cây trồng; trong đó có 10.090 ha cà phê, tổng thiệt hại ước tính hơn 320 tỉ đồng. Dự báo sẽ có thêm 10.155 ha cây trồng bị hạn; trong đó gần 9.500 ha cà phê.
Chóng mặt với chi phí
Loay hoay chống hạn, người trồng cà phê ở Đắk Lắk hụt hơi với đủ loại chi phí tăng cao. Ông Ae Nghi ở buôn Ajun than thở: “Chỉ 2 ha cà phê nhưng do nằm xa nguồn nước nên tốn dầu bơm nước nhiều quá. Hai đợt tưới mất gần 500 lít dầu diesel vị chi hơn 10 triệu đồng rồi”. Giá dầu tăng hơn 6.000 đồng/lít so với cùng kỳ năm trước khiến mọi tính toán đầu vào cho cây cà phê bị đảo lộn. Anh Phạm Văn Thành ở buôn Ea Kroa, xã Cư Né, so sánh: Năm ngoái mỗi đợt tưới chỉ tốn 3 triệu đồng tiền dầu/ha, năm nay phải tốn hơn 4 triệu đồng. Tiền phân bón, thuê nhân công cũng tăng chóng mặt. Năm 2010, tiền phân NPK chỉ khoảng 10 triệu đồng cho 1 ha, nay tăng lên 13 triệu đồng; tiền thuê người tưới từ 300.000 đồng vọt lên 450.000 đồng/ngày công… Anh Y Zơn ở buôn Ea Túk, xã Cư Pơng, phải bấm bụng bỏ ra hơn 30 triệu đồng để đào giếng sâu hơn 20m cứu vườn cà phê vừa trồng năm ngoái. Anh kể, thuê người đào bình quân mỗi mét chiều sâu với giá 1,5 triệu đồng, cao gấp rưỡi so với năm trước.
Theo ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, diện tích cà phê tăng khiến sức ép về nguồn nước tưới cũng trở nên gay gắt. Hiện toàn tỉnh có 643 công trình thủy lợi, tổng dung tích hơn 500 triệu m3 nước, ngoài lúa và hoa màu, chỉ bảo đảm đủ tưới gần 100.000 ha cà phê; hơn 90.000 ha còn lại phải tưới bằng nước ngầm từ giếng đào và giếng khoan. Ông San cho rằng, do độ che phủ rừng ở nhiều vùng trồng cà phê thu hẹp, nguồn nước ngầm cũng tụt giảm nên chi phí tìm nước càng tốn kém, nhất là những vùng trồng mới cà phê, điều kiện nước tưới càng không thuận lợi.
Trần Ngọc Quyền
Bình luận (0)