“Cuộc thi dành cho con nhà giàu”
Xuân Ngọc, cựu SV khoa Điện trường ĐH Bách khoa Hà Nội - một thành viên trong đội thi Robocon năm 2007 cho biết, để làm ra một con robot đủ tiêu chuẩn đi thi phải mất tầm 8 triệu đồng. Đó là đối với một robot thông thường, còn nếu chịu khó đầu tư để có được một robot như ý thì mất cả chục triệu đồng. Để có được tấm vé vào chung kết cuộc thi Robocon toàn quốc, Ngọc và các bạn trong đội đã phải huy động khá nhiều tiền bạc của gia đình.
Ngọc chia sẻ: “Chúng tôi phải trải qua rất nhiều cuộc thi - từ cấp trường đến cấp thành phố, rồi mới được dự thi toàn miền Bắc, và sau đó là thi quốc gia, đội nào thắng được đi thi quốc tế. Tuy nhiên, ở các vòng nhỏ như thi đấu toàn trường hoặc với các bạn SV ở trường khác, hầu như chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía nhà trường hay Hội Sinh viên”. Ngọc cho biết thêm, để có được đủ số lượng robot đi thi, đội của Ngọc (gồm 12 thành viên) đã phải tích góp tiền sinh hoạt hằng ngày để có thể sáng chế ra 4 robot với tổng chi phí lên đến hơn 30 triệu đồng. “Với SV chúng tôi thì việc có được hơn 30 triệu đồng để chế tạo robot quả là điều không tưởng và hơi mạo hiểm, vì có hàng trăm đội đi thi, xác suất để chiến thắng là rất nhỏ nếu mình không thực sự chịu khó đầu tư, vì thế chúng tôi thường gọi đùa cuộc thi Robocon là cuộc thi dành cho con nhà giàu”, Ngọc nói.
Mò mẫm đến với giải thưởng lớn
Câu chuyện thiếu tiền đầu tư không chỉ xảy ra ở cuộc thi Robocon mà còn phổ biến hầu khắp ở các cuộc thi khác, và là một trở ngại đối với SV trong nghiên cứu khoa học.
Phan Hải Linh, một trong 3 bạn trẻ của trường ĐH Bách khoa đã đoạt giải nhất toàn quốc về cuộc thi Inmagine Cup năm 2008 do Tập đoàn Microsoft tổ chức đã chia sẻ những khó khăn của các bạn khi tham gia cuộc thi: “Chúng tôi có 4 người tham gia cuộc thi này với chủ đề về môi trường. Ý tưởng của chúng tôi là làm một chiếc máy tự động phân tích được các loại rác và quy đổi ra các sản phẩm tương đương với số rác mà một người bỏ vào máy. Chúng tôi thực hiện đề tài này trên phần mềm nên không mất nhiều chi phí như những công trình khoa học khác, tuy nhiên khó khăn mà chúng tôi gặp phải lại là lần đem công trình này sang Pháp để thi. Chúng tôi không nhận được sự tài trợ nào trừ Công ty Microsoft. Vì thế hầu như chúng tôi phải bỏ tiền túi để có thể tự túc sang Pháp. Dù đã cất công đi xin tài trợ nhưng kết quả thu lại chỉ là sự cổ vũ, động viên của nhà trường và bạn bè mà thôi".
Đã từng có kinh nghiệm trên “đấu trường quốc tế”, Hải Linh cũng bày tỏ cách nhìn nhận của mình trước những khó khăn, vướng mắc mà SV Việt Nam thường gặp phải khi tham gia những giải thưởng quốc tế: “Tôi nhận thấy SV mình chưa thực sự được quan tâm nhiều, và luôn bị thiếu thông tin. Ví dụ cuộc thi Imagine Cup là cuộc thi đã rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng SV Việt Nam mới chỉ biết đến trong 1-2 năm trở lại đây, do việc tiếp cận thông tin còn hạn chế, và ngay tại nhà trường cũng chưa cập nhật rộng rãi những cuộc thi bổ ích như thế này để SV tham gia”.
“Tôi nghĩ việc chúng ta mang hình ảnh Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế là một điều hết sức nên làm. Các đội tham gia đều có những cách để PR cho đất nước họ như đồng phục có gắn logo trước ngực, rồi có những thí sinh lại đem theo cả đặc sản của nước mình đến để giới thiệu với mọi người. Công tác chăm sóc thí sinh của họ cũng rất chu đáo, sau khi tham gia cuộc thi, mọi người còn được ở lại để giao lưu với nhau, nhưng đoàn Việt Nam thì về ngay sau đấy vì thực sự... không đủ kinh phí”, Hải Linh chia sẻ thêm.
Với những SV như Hải Linh, Xuân Ngọc... bây giờ chưa thể nói gì về sự nghiệp khoa học của họ sau này. Rất có thể các giải thưởng giành được khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ chỉ còn là những kỷ niệm đẹp. Nhưng chỉ khi những "hạt giống" đó được quan tâm và hỗ trợ thích đáng ngay từ những bước phát triển đầu tiên, mới hy vọng sẽ nảy mầm ra những tài năng khoa học thực thụ của tương lai.
Phương Anh
Bình luận (0)