Cần làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững?

27/04/2021 13:31 GMT+7

ĐBSCL có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản; song vùng đất phù sa trẻ này cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ, hiểm họa do thiên tai, dịch bệnh… gây ra.

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre

ẢNH: B.B

Chính phủ đã có chủ trương, các bộ ngành T.Ư cũng đang cùng các địa phương trong vùng “xắn tay” tìm giải pháp phát triển toàn diện, bền vững ĐBSCL trong bối cảnh tác động có tính toàn cầu của biến đổi khí hậu… Để rõ hơn về thực trạng và các giải pháp trong quá trình thực hiện chủ trương này, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Mãi, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre.
PV: Các chuyên gia, nhà khoa học đều nhận định rằng khu vực ĐBSCL đang tồn tại quá nhiều vấn đề nội tại trong quá trình phát triển. Vậy theo ông thì vấn đề nào là nghiêm trọng nhất?
Ông Phan Văn Mãi: Vùng ĐBSCL có tiềm năng và thế mạnh riêng so với các vùng kinh tế khác trong nước. Đây là vùng đất phù sa châu thổ có tổng diện tích 3,94 triệu ha, là một trong những đồng bằng màu mỡ trên thế giới. Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, ĐBSCL đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới; hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% lượng tôm cá xuất khẩu cả nước...ĐBSCL còn có hơn 700 km bờ biển, 367.000 km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, giàu tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản và năng lượng tái tạo…
Với những tiềm năng, lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các tỉnh, thành ĐBSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với bình quân chung cả nước. Hiện đang tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng, như: Thiếu một tầm nhìn chiến lược chung cho cả khu vực; Tài nguyên đất, nước và môi trường khai thác sử dụng chưa hiệu quả; Số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; Sự thay đổi về mặt nhân khẩu học, di dân ra khỏi vùng với số lượng lớn; Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng và yêu cầu phát triển; Nguồn lực đầu tư rất hạn chế, thiếu nền tảng thu hút đầu tư tư nhân; Chậm đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...
Bên cạnh các “nút thắt” kể trên, một trong những thách thức lớn mà ĐBSCL đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Là một châu thổ trẻ, BĐSCL rất mẫn cảm trước tác động mang tính toàn cầu của biến đổi khí hậu, dẫn đến những ưu thế về điều kiện tự nhiên cho sự phát triển trước đây và hiện nay của vùng sẽ phải thay đổi.
Như vậy “cơ thể” ĐBSCL đang mang khá nhiều “căn bệnh trầm kha”. Vậy, theo ông thì chúng ta nên “chữa bệnh” cho ĐBSCL như thế nào để đạt hiệu quả nhất?
Trước hết, cần nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức, nhất là phân tích, nhận diện đầy đủ những thách thức do biến đổi khí hậu tác động đến quá trình phát triển của vùng, xây dựng các cơ chế chính sách, mô hình phát triển phù hợp. Điều phấn khởi là ngày 31.7.2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1163/QĐ-TTg “Phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, quan điểm phù hợp với tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm phát triển bền vững Vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021- 2030 và các thời kỳ tiếp theo, theo tôi, ĐBSCL cần phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với thực tiễn, lấy tri thức khoa học - công nghệ làm nền tảng. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL đã được đề ra.
Theo đó, cần tập trung xây dựng cho toàn vùng ĐBSCL nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nền nông nghiệp của vùng hiện vẫn đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thị trường thế giới, đủ sức đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp giá trị cao đang ngày càng tăng lên. Chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến có thể được xem là giải pháp khả thi và bền vững trong dài hạn. Ngoài ra, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế khác phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng như phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm…
Ông Phan văn Mãi cùng đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới ở H.Củ Chi, TP.HCM

Ông Phan văn Mãi cùng đoàn cán bộ tỉnh Bến Tre tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới ở H.Củ Chi, TP.HCM

ẢNH: B.B

Cùng với xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ĐBSCL cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại- dịch vụ, đô thị... trong bối cảnh biến đổi khí hậu; trong đó, định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở vùng ĐBSCL có thể xem là một chiến lược biến “nguy cơ, thách thức” của biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển bền vững…
Nhưng, quan trọng nhất là cần phải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ. Thực tế những năm qua, nhiều công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng; đồng thời tạo sự liên kết chặt chẽ trong nội tại của vùng, với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ...Từ đó, mở ra những cơ hội lớn trong thu hút các nguồn lực đầu tư, “tháo gỡ” được một trong những “nút thắt” cản trở sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian qua.
Tỉnh Bến Tre đã và đang làm gì để cụ thể hóa “tầm nhìn chiến lược” như trên, thưa ông?
Tỉnh Bến Tre được hình thành bởi 3 cù lao, bao bọc bởi các con sông lớn và 65 km bờ biển, sông rạch chằng chịt cho nên là một trong những địa phương rất dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Gần nhất là mùa khô năm 2019- 2020, mặn đã xâm nhập sâu gần như bao phủ toàn tỉnh, cùng với hạn hán kéo dài, gây thiệt hại nặng nề và ảnh hưởng không chỉ sản xuất nông nghiệp mà toàn bộ nền kinh tế, từ dịch vụ, thương mại, sản xuất công nghiệp và cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân do không đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước ngọt.
Do là tỉnh cuối nguồn ĐBSCL nên Bến Tre chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề từ BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn

Do là tỉnh cuối nguồn ĐBSCL nên Bến Tre chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề từ BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn

ẢNH: B.B

Trong thời kỳ phát triển mới, nhận thức rõ thời cơ và thách thức, Bến Tre đang mạnh mẽ vươn lên để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cụ thể, Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre (nhiệm kỳ 2020- 2025) đã đề ra một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là “Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng; Phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng; Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển về hướng đông, liên kết vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông...”.
Hiện nay, Bến Tre cũng như các tỉnh thành khác trong vùng đang lập quy hoạch phát triển cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên tinh thần bám sát Nghị quyết số 120/2017/NQ-CP của Chính phủ. Trong quá trình này, Bến Tre cũng đang gặp một số khó khăn và rất mong các bộ, ngành T.Ư sớm xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng. Trong đó, tỉnh Bến Tre đề nghị T.Ư đặc biệt quan tâm chiến lượt phát triển hành lang kinh tế ven biển để đảm bảo an ninh, quốc phòng và mở ra không gian phát triển mới cho vùng, từ đó cấu trúc lại không gian hiện hữu để ĐBSCL thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Ông Phan Văn Mãi chủ trì Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bến Tre

Ông Phan Văn Mãi chủ trì Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Bến Tre

ẢNH: B.B

Bên cạnh đó, đề nghị T.Ư xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL như: hạ tầng thuỷ lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số...; đồng thời nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ xanh trong lĩnh vực khai thác biển cho các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt đối với du lịch, tập trung phát triển một số trung tâm du lịch biển điển hình trong vùng để lựa chọn và tìm ra sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, nhằm khai thác lợi thế, hình thành hệ thống kết nối, tạo động lực cho các địa phương cùng phát triển, khắc phục triệt để tình trạng “giẫm chân nhau” về sản phẩm du lịch. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư cho giáo dục ĐBSCL nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho yêu cầu phát triển của vùng trong giai đoạn mới…
Với truyền thống đấu tranh cách mạng anh hùng, truyền thống lịch sử văn hóa được hình thành và hun đúc qua hàng thế kỷ, cộng đồng dân cư vùng ĐBSCL nói chung và Bến Tre- Đồng Khởi nói riêng luôn tỏ rõ bản lĩnh, không khuất phục, không chùn bước trước khó khăn thử thách. Tôi tin rằng hơn 1,3 triệu dân Bến Tre, cũng như hơn 17,5 triệu dân vùng ĐBSCL sẽ lại tiếp tục năng động thay đổi để thích ứng với thực tiễn, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.