Như Thanh Niên đã đề cập, chỉ trong vòng hơn 1 tháng Sở Tư pháp TP.HCM áp dụng thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID (từ 4.11), kết quả có hơn 4.000 hồ sơ yêu cầu cấp qua ứng dụng VNeID, trên tổng số hơn 14.200 hồ sơ các loại, chiếm tỷ lệ hơn 28%.
Tương tự với việc thực hiện sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) tích hợp trên VNeID, tính đến nay, toàn TP.HCM có hơn 1,1 triệu sổ SKĐT, hơn 21.000 giấy chuyển tuyến, hơn 238.800 giấy hẹn khám lại tích hợp trên VNeID.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP.HCM, chỉ trong thời gian ngắn triển khai thực hiện, kết quả trên cho thấy khâu liên thông dữ liệu dịch vụ công đã mang đến nhiều lợi ích thiết thực. Cụ thể, giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, công sức, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình đăng ký, giải quyết thủ tục hành chính đối với 2 lĩnh vực này...
Từ đó, Công an TP.HCM với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án 06 TP.HCM đã đề nghị triển khai hàng loạt nội dung để tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp và thực hiện sổ SKĐT, bao gồm mục tiêu đảm bảo 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thực hiện đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp, tích hợp thông tin thẻ BHYT và cập nhật sổ SKĐT trên VNeID.
Tiếp tục cập nhật, mở rộng liên thông
Đánh giá về hiệu quả ban đầu của việc thí điểm liên thông dịch vụ công trên ứng dụng VNeID, bạn đọc (BĐ) Phạm Hùng nêu: "Cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua VNeID mà thành công sẽ rất tiện lợi cho người dân, giá trị của ứng dụng được nâng lên, giảm thời gian chờ đợi và chi phí đi lại cho người dân". Tán thành, BĐ Trịnh Cường chia sẻ: "Cả cơ quan chức năng và người dân đều không ai muốn mất thời gian vào các thủ tục hành chính. Đó mới chính là mục tiêu cải cách, cải tiến".
Cùng suy nghĩ này, BĐ Trường Lưu phân tích: "Trước mắt, liên thông giữa tư pháp, bảo hiểm và y tế, ba lĩnh vực gắn với đời sống của người dân, là rất cần thiết. Ban đầu, tôi có nhiều nghi ngại khi ngành nào cũng xây dựng ứng dụng và dữ liệu riêng, nếu không liên thông được với nhau thì có khác gì chuyển từ sắp hàng ngoài trụ sở lên sắp hàng trên mạng. Nhưng nay rất vui khi ứng dụng VNeID đã trở thành một đầu mối tích hợp các dữ liệu dịch vụ công".
BĐ Minh Nghĩa góp ý kiến: "Giáo dục, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm… hoàn toàn có thể là các lĩnh vực tiếp theo được tích hợp trên cùng một ứng dụng. Rất mong các cơ quan quản lý nghiên cứu để tiếp tục cập nhật, mở rộng liên thông".
Một siêu ứng dụng để kết nối mọi dịch vụ?
Nhiều bạn đọc đồng thời đặt hy vọng về một "siêu nền tảng, siêu ứng dụng" đáp ứng mọi nhu cầu về đăng ký, tra cứu, tiếp nhận kết quả dịch vụ công.
BĐ Tuấn An cho rằng ý tưởng về một siêu ứng dụng tích hợp đầy đủ các thủ tục hành chính là cần thiết, nhưng việc triển khai sẽ không hề dễ dàng: "Muốn như vậy, mọi địa phương, sở ngành sẽ phải kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng dữ liệu chung, được số hóa chi tiết và đầy đủ nhất. Đây là một khối lượng công việc khổng lồ, cần quyết tâm rất lớn".
BĐ Thủy nêu: "Người dân rất cần một siêu ứng dụng như vậy. Các ngành cứ phát triển, quản lý dữ liệu của mình, nhưng trăm sông phải đổ về một biển, dữ liệu chạy về một chỗ khi cần trích xuất, tra cứu, cấp các loại giấy tờ, thủ tục".
* Ý tưởng rất hay, tuy nhiên tôi cho rằng cần đào tạo thêm về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ vận hành.
Richard Hoang
* Vẫn chưa thể dùng VNeID để "chứa" tất cả giấy tờ bắt buộc phải có khi lưu thông. Hy vọng sớm cập nhật thêm nhiều nội dung khi tích hợp giấy phép lái xe.
Phan Chính
* Mọi việc giải quyết tập trung qua mạng trên nền tảng VNeID sẽ nhanh chóng, chặt chẽ và kiểm soát tốt các thông tin. Các thủ tục sau này sẽ vừa nhanh vừa bớt giấy tờ.
Tuấn Đào
Bình luận (0)