Cần làm rõ khái niệm đua xe

28/09/2011 18:39 GMT+7

(TNO) Từ năm 2009 đến nay, Công an TP.HCM phối hợp với Công an H.Bình Chánh xử lý duy nhất một trường hợp liên quan đến đua xe. Bởi tình trạng thanh thiếu niên tụ tập chạy xe như vừa qua tại thành phố lại không thể ghép vào hành vi đua xe.

>> Tạm giữ hàng trăm xe máy “quậy”
>> Điểm mặt bọn gây rối đường phố
>> Đêm của những gã ngông cuồng

Nhận diện được 30 đối tượng cầm đầu

Ngày 28.9, báo cáo với đoàn đại biểu Quốc hội thành phố giám sát tình hình thực hiện quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM cho biết như trên.

Theo đại tá Nhuận, gần đây trên địa bàn thành phố, vào ban đêm xảy ra tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành tốp điều khiển xe máy gây mất trật tự.


Chạy xe gây rối trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Minh Đức

Các đối tượng tham gia chạy xe gây rối trật tự công cộng chủ yếu là thanh thiếu niên có độ tuổi từ 14 đến 25 tuổi thích đi chơi. Khi gặp lực lượng CSGT, các đối tượng này phân tán ra thành nhiều tốp nhỏ đi theo nhiều hướng khác nhau hoặc đi chậm lại; không có biểu hiện sai phạm, sau đó qua khu vực khác hợp lại và đi chơi cho đến sáng.

Đại tá Nhuận cho biết, qua điều tra cơ bản, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt đã xác định 55 tuyến đường thường xuyên xảy ra tình trạng tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng.

Sử dụng các thiết bị ghi hình, công an thành phố cũng đã xác định “chân dung” 30 đối tượng cầm đầu tụ tập chạy xe lạng lách.

Hiện cơ quan điều tra đang tiến hành lập hồ sơ xử lý. 

Đại tá Nhuận cũng cho biết, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP.HCM và cảnh sát hình sự sẽ phối hợp lập hồ sơ; đề nghị truy tố hình sự, đưa những thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự công cộng vào các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng theo quy định.

“Không ai nói được bao giờ...”

Đại tá Nhuận nhấn mạnh không thể xử lý tội đua xe đối với những nhóm thanh niên tập hợp chạy xe, lạng lách... Vì hành vi đua xe phải có dấu hiệu tổ chức; có điểm xuất phát, đích đến; cá cược...

Trước giải thích của đại tá Nhuận, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, các cơ quan như Công an, Viện kiểm sát, tòa án cần ngồi lại với nhau để làm rõ khái niệm đua xe.

“Không thể có chuyện hàng chục người tụ tập, so kè tốc độ với nhau mà không thể được coi là có dấu hiệu đua xe” - đại biểu Nghĩa nói. 


Lực lượng chức năng ngăn chặn một vụ tụ tập chạy xe gây rối trật tự công cộng - Ảnh: Minh Đức

Đại tá Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP.HCM cho biết thêm, Điều 207 Bộ luật Hình sự  quy định về tội đua xe phải có dấu hiệu bắt buộc như: gây thiệt hại sức khỏe cho người khác. Quy định này khiến cơ quan điều tra “khó xử”.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước “Bao giờ giải quyết dứt điểm nạn đua xe?”, đại tá Châu nói: “Không ai có thể nói được bao giờ...”.

Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan, ban ngành thành phố trong việc ngăn chặn nạn tụ tập đua xe gây mất trật tự công cộng. Nhưng ông nói người dân mong muốn chính quyền thành phố cần làm nhiều và quyết liệt hơn nữa.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng ghi nhận tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, rải đinh, sử dụng vỉa hè, việc cấp phép ồ ạt cho các dự án nhà cao tầng trong khu vực nội thành... cũng như một số bất cấp của pháp luật trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông.

Đề nghị gắn thiết bị ghi hình trên xe mô tô CSGT

Đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước cho rằng, CSGT tại TP.HCM chưa được trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ cần thiết.

Theo đó, xe mô tô chuyên dụng gồm hai người ngồi của CSGT thành phố hiện nay được dùng vào những cuộc truy đuổi người vi phạm là quá nguy hiểm.

Ngoài ra, CSGT khi sử dụng xe mô tô chuyên dụng không được trang bị đồ bảo vệ tay, chân... Thực tế, trong thời gian qua đã có hai vụ ngã xe mô tô làm 3 CSGT bị thương, 1 CSGT tử vong.

Đại biểu Quốc hội Phước cũng kiến nghị nên thay trang phục màu vàng của CSGT hiện nay thành màu đen để tăng tính uy nghiêm, nổi bật, có tính răn đe với người có ý định phạm luật giao thông.

Ông Phước cũng cho rằng nên gắn thiết bị ghi hình lên xe mô tô chuyên dụng để giám sát công việc của CSGT, từ đó tránh được việc CSGT có những hành vi tiêu cực.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.