Tổ chức, hoạt động chưa rõ
ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho biết, trong nhiều năm qua, thi hành án dân sự không thuộc cơ quan nào quản lý. Đến nay, dự luật cũng chưa làm rõ được điều này. Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch góp ý: “Điều 15 của dự luật, quy định về cơ quan thi hành án chưa nêu lên được bản chất của vấn đề”, và nhấn mạnh: “Chúng ta phải có quan điểm rõ ràng khi quy định về cơ quan thi hành án dân sự. Nếu quan điểm tổ chức theo ngành dọc như một cơ quan độc lập thì phải nói rõ xem ở cấp Trung ương nó là gì, dưới địa phương là gì... Dự luật có nhiều quy định rất chi tiết, nhưng có chuyện to đùng là việc tổ chức bộ máy thì lại giao cho Chính phủ”.
Một trong những nội dung quan trọng của dự luật là quy định về xã hội hóa công tác thi hành án. Theo ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội), dự luật phải quy định cụ thể: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thực hiện việc xã hội hóa trong hoạt động thi hành án. Cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được cấp giấy phép hành nghề thi hành án”. Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại có quan điểm khác: “Chưa quy định vấn đề này trong dự thảo luật, giao cho Chính phủ căn cứ tình hình cụ thể để quy định việc thực hiện thí điểm xã hội hóa một số công việc về thi hành án dân sự tại một số địa phương”.
Theo quy định hiện hành, chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ khi thi hành án. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị thể chế hóa nội dung này vào luật, nhằm mục đích bảo vệ tính mạng cho chấp hành viên. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng có ý kiến khác, cho rằng không nên quy định chấp hành viên được sử dụng công cụ hỗ trợ, nếu cần đã có cảnh sát hỗ trợ tư pháp.
Muốn án thi hành phải làm đơn xin (!?)
Điều 122 dự luật quy định, trường hợp khi cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án, nhưng sau khi cưỡng chế, người thi hành án không đủ tiền thuê hoặc tạo lập nơi ở mới thì cơ quan thi hành án trích lại hoặc yêu cầu người được thi hành án hỗ trợ cho người phải thi hành án khoản tiền thuê nhà trong thời hạn 1 năm. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) băn khoăn: “Quy định nhập nhằng như thế nếu người ta không chịu hỗ trợ thì sao?”. Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) đồng tình: “Không nên giao cho chủ nợ hỗ trợ, nếu cần thiết hỗ trợ thì phải sử dụng bằng nguồn ngân sách của Nhà nước”.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) viện dẫn trường hợp của ông Trương Gia Hải (Hà Nội): sau 12 năm xét xử, qua 12 quyết định, đến khi bản án cuối cùng được tuyên thì phát sinh hơn 700 triệu đồng. Theo bản án thì ông Hải phải trả khoản tiền hơn 700 triệu, trong khi khoản phát sinh này không phải lỗi của ông Hải mà do lỗi của cán bộ nhà nước gây ra. Theo ĐB Quyền, luật phải nói rõ trách nhiệm của người đưa ra bản án sai, đề nghị: “Cán bộ của Nhà nước làm sai thì Nhà nước phải chịu bồi thường”.
ĐB Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) không đồng tình khi dự luật quy định, người muốn thi hành án phải làm đơn xin thi hành án. “Quy định như vậy là vô lý, thủ tục nhiêu khê, người biết thì yêu cầu của họ mới được đảm bảo, người không biết thì chịu thiệt” - ĐB Hòa nói. Bản án đã tuyên thì nghiễm nhiên có hiệu lực thi hành.
ĐB Nguyễn Thị Thủy Khiêm (Long An) lo lắng: “Chúng ta có chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, không tổ chức HĐND thì ai giám sát việc thi hành án để đảm bảo quyền lợi của nhân dân?”. Ủy ban nhân dân phải báo cáo công tác thi hành án trước HĐND, nhưng khi không tổ chức HĐND nữa thì báo cáo ai?
Xuân Toàn
Bình luận (0)