Theo tài liệu, chứng cứ mà PV Thanh Niên thu thập được, ngày 15.9.2008, ông Trần Tín Kiệt ký ban hành kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra gửi Bộ GD - ĐT và Tỉnh ủy Bình Định, nhưng trong đó có nhiều nội dung "khống".
Điển hình là khi cam kết khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng (Thanh Niên đã phản ánh), kế hoạch khẳng định từ năm 2005, trường không thu phí hỗ trợ in ấn giáo trình, tiền bảo hiểm tài sản của sinh viên (SV). Thực tế là trường vẫn thu như cũ. Giấy triệu tập SV nhập học vẫn ghi rõ các khoản lệ phí "lạ" phải nộp với mức cao, trong đó tiền hỗ trợ in ấn giáo trình 400.000 đồng/SV, tiền bảo hiểm tài sản 500.000 đồng/SV.
Đối với việc nộp thuế các hoạt động dịch vụ, ông Kiệt cho rằng "đã khắc phục", nhưng đến nay vẫn phớt lờ, chưa nộp bản kê khai doanh thu tính thuế cho cơ quan chức năng. Ngày 30.12.2008, Chi cục Thuế Quy Nhơn tiếp tục gửi công văn yêu cầu trường chấp hành nghĩa vụ thuế, "nếu còn chậm trễ, Chi cục Thuế sẽ thực hiện việc ấn định số thuế phải nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế"...
Nhiều hoạt động bị tê liệt
Xem xét tạm đình chỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy đối với ông Kiệt |
Ông Lê Văn Đức - Hiệu phó nhà trường, bức xúc: "Mấy tháng nay, tôi cũng như 2 hiệu phó khác dường như không được làm gì. Theo chỉ đạo của hiệu trưởng, các văn bản có chữ ký của các hiệu phó không được bộ phận văn thư đóng dấu. Chúng tôi đã có thư phản ánh lên Bộ nhưng đến nay vẫn không biết Bộ và các đơn vị liên quan xử lý theo hướng nào. Việc tiếp tục bố trí dạy và học ở dãy nhà A1 gây ra nhiều phản ứng. Thực tế là thầy nào muốn dạy thì dạy, không muốn thì cho SV nghỉ; chờ đến thứ bảy, chủ nhật mượn phòng khác dạy bù. Có giảng viên không chịu chấm bài thi của SV".
Ông Nguyễn Sum, Hiệu phó nhà trường cho biết thêm, gần 4 tháng qua chỉ mới được phép ký 2 chữ ký vào đơn xin nghỉ phép của giảng viên. Nhiều cuộc họp quan trọng chỉ có hiệu trưởng và trưởng các đơn vị được quyền tham dự...
Sinh viên bị nợ học bổng
Đến ngày 31.12.2008, vẫn còn nhiều cán bộ, giảng viên chầu chực tại khu hành chính của trường chờ gặp hiệu trưởng để... đòi nợ.
Như Thanh Niên đã phản ánh, nguồn kinh phí đào tạo lên đến hàng chục tỉ đồng mỗi năm tại ĐH Quy Nhơn luôn ổn định và đảm bảo, trong khi những khoản chi theo kế hoạch như tiền thừa giờ, tiền phụ cấp đào tạo... lại không đến tay các cán bộ, giảng viên. Không những có sự bất thường này, hàng ngàn SV cũng bị nợ tiền học bổng từ học kỳ 2 năm học 2007 - 2008. Theo thông báo do ông Trần Tín Kiệt ký, có 9.594 SV thuộc 15 khoa của trường được nhận học bổng với số tiền hơn 810 triệu đồng. Nhiều SV nghèo học giỏi bị "khất nợ" đã lâm vào tình cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau. Bức xúc hơn, những SV chậm nộp học phí, theo thông báo của trường là "không được thi".
Theo thông tin chính thức từ bà Nguyễn Thị Ngọc Triển, Trưởng phòng Tổ chức, chỉ tính riêng khoản nợ tiền thừa giờ hệ chính quy đã lên đến gần 6 tỉ đồng. Đơn "đòi nợ" của các khoa nêu ra còn rất nhiều khoản nợ khác như: tiền vượt giờ, tiền hỗ trợ khối phục vụ đào tạo, tiền hỗ trợ tăng thu nhập, tiền phụ cấp ưu đãi của ngành cho các giảng viên mới vào biên chế...
Tính toán sơ bộ (theo danh mục phải chi theo quy định nhưng đến nay người nhận vẫn chưa được nhận) của các cán bộ có chức trách, số nợ của trường có thể hơn 20 tỉ đồng. Được biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định đang điều tra những sai phạm tại trường, trong đó đáng chú ý là vấn đề thu - chi sai nguyên tắc.
Đình Phú
>> Náo loạn vẫn tiếp diễn ở ĐH Quy Nhơn
>> Thường trực Tỉnh ủy Bình Định triệu tập ông Trần Tín Kiệt
>> Những "sáng kiến" tại ĐH Quy Nhơn: Hiệu trưởng đổ lỗi cho Bộ Giáo dục - Đào tạo!
>> Những chuyện “động trời” của Hiệu trưởng ĐH Quy Nhơn
>> Thanh tra toàn diện Đại học Quy Nhơn
Bình luận (0)