Cần lên án hành vi bắt người, phá tàu ngư dân VN

20/10/2018 05:26 GMT+7

Ngày 19.10, tại Bình Thuận, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị bàn biện pháp tuyên truyền và ngăn chặn tình trạng tàu cá ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.

[VIDEO] Nỗi ám ảnh của 13 ngư dân trên tàu cá bị tàu lạ đâm ở Hoàng Sa
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị cùng lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và UBND các tỉnh nam Trung bộ (từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu).
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ nhân dân vùng biên giới hải đảo (sau đây gọi tắt là BCĐ), trong năm 2017 xảy ra 143 vụ vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài, với 236 tàu và 1.897 ngư dân VN bị bắt giữ (Indonesia bắt 100 tàu với 841 ngư dân; Trung Quốc (TQ) bắt 46 tàu với 368 ngư dân; Campuchia bắt 27 tàu với 89 ngư dân). Trong 9 tháng 2018, dù được đánh giá đã giảm rõ rệt nhưng theo BCĐ vẫn còn 83 vụ vi phạm với 139 tàu cá cùng 1.037 ngư dân.
Tàu cá cùng 13 ngư dân bị “tàu lạ” đâm va ở Hoàng Sa đã về đất liền

Phát biểu tại hội nghi, thượng tướng Lê Chiêm (Trưởng BCĐ) cho rằng việc tàu cá của ta vi phạm các nước, để lại hệ lụy xấu về cả an ninh quốc phòng lẫn kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo thượng tướng Lê Chiêm, ngư dân đã bắt đầu ý thức được hành vi vi phạm của mình và từng bước thay đổi nhận thức.
Thượng tướng Lê Chiêm đề nghị các tỉnh, thành ven biển đẩy mạnh tuyên truyền, cho người dân thấy được hành vi sai phạm của họ để điều chỉnh kịp thời, nhằm góp phần ổn định an ninh trên biển, bảo đảm cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Về việc ngư dân dùng phương tiện đánh bắt thủy sản hủy hoại môi trường, theo thượng tướng Lê Chiêm, đây là những trăn trở chung của các cấp, ngành và cả cộng đồng quốc tế.
Đàm phán, ký kết để ngư dân ra nước ngoài đánh bắt
Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng do vùng biển giáp ranh của ta với các nước chưa phân định rõ ràng. Việc tàu cá của ta bị bắt ở vùng biển chồng lấn là có thật. Theo đại tá Thống, áp dụng chính sách “đường lưỡi bò”, mặc dù các nước đều phản đối nhưng phía TQ đã đưa hàng ngàn tàu cá xuống Biển Đông thời gian qua, gây sức ép, thậm chí xua đuổi tàu cá của ngư dân VN, gây ảnh hưởng lớn đến công việc làm ăn trên biển. Đại tá Thống kiến nghị cần khẩn trương đàm phán phân định ranh giới các vùng biển tranh chấp, chồng lấn. “Cần có công hàm lên án các hành vi bắt giữ người, phá tàu của ngư dân ta ở những vùng biển mà họ chưa xác định được là biển của bên nào. Đồng thời đàm phán, ký kết để đưa ngư dân ta được sang nước ngoài đánh bắt theo hợp đồng một cách hợp pháp”, đại tá Thống nêu tại hội nghị.
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết sắp tới BCĐ sẽ tham mưu cho Chính phủ một số chính sách mới. Chẳng hạn một số vùng biển của ta, nhưng họ cứ nói biển của họ, như vùng biển giáp với Indonesia, Thái Lan, thậm chí là vịnh Bắc bộ... do chưa phân định rõ ràng.
Theo báo cáo của BCĐ, tình hình tàu cá TQ vi phạm vùng biển VN để khai thác trái phép có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, các tàu cá TQ vi phạm chủ yếu ở vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhà giàn DK1. Đặc biệt, tàu cá TQ còn tiếp cận các vùng biển mà VN đang thăm dò, khai thác dầu khí. Mục đích không đơn thuần là kinh tế, lấn át ngư trường, đâm va, cán lưới tàu cá của ngư dân ta mà mục tiêu chính của họ “muốn khẳng định chủ quyền” phi pháp trên Biển Đông. Đồng thời, muốn giám sát, theo dõi, tạo áp lực và sẵn sàng cản phá hoạt động thăm dò dầu khí của ta. Tính chất, mức độ hoạt động của phía các tàu TQ ngày càng công khai, có tổ chức chặt chẽ, chỉ đạo thống nhất từ trên xuống.
Tàu cá cùng 13 ngư dân bị “tàu lạ” đâm va ở Hoàng Sa đã về đất liền
Sáng 19.10, ông Huỳnh Văn Định, Chủ tịch UBND xã Tam Quang (H.Núi Thành, Quảng Nam), cho biết tàu cá QNa 90398 TS do ông Huỳnh Tèo (44 tuổi, ở xã Tam Quang) làm thuyền trưởng cùng 13 ngư dân bị "tàu lạ" đâm va gần biển Hoàng Sa đã về bờ an toàn vào tối 18.10.
Khoảng 13 giờ ngày 15.10, tàu QNa 90398 TS đang đánh bắt tại vùng biển cách khu vực đảo Đá Bắc (quần đảo Hoàng Sa) khoảng 143 hải lý về hướng đông bắc thì bị "tàu lạ" đâm va gây hư hỏng nặng, có nguy cơ chìm; thuyền trưởng Tèo phát tín hiệu cầu cứu. Đến 15 giờ 30 cùng ngày, tàu cá QNa 91144 TS (do ông Huỳnh Văn Tạo, ở xã Tam Quang, làm thuyền trưởng) đang đánh bắt cách đó khoảng 50 hải lý đã tiếp cận, cứu các ngư dân bị nạn.
Lúc 1 giờ 30 ngày 19.10, 43 ngư dân trên tàu câu mực QNa 91919 TS cùng thuyền trưởng Lương Văn Tồn (ở xã Tam Giang, H.Núi Thành) cũng đã về đến đất liền, sau khi tàu bị chìm tại vùng biển Trường Sa. Trước đó, khoảng 1 giờ ngày 11.10, tàu QNa 91919 TS đang đánh bắt trên biển thì bị chết máy, mắc cạn ở bãi san hô và bị sóng lớn đánh chìm. Sau đó, các ngư dân được tàu QNa 91269 TS (do ông Phạm Cương, ở xã Tam Giang, làm thuyền trưởng) cứu nạn và đưa vào bờ.
Mạnh Cường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.