Cần liều thuốc đặc trị vực dậy doanh nghiệp du lịch

24/10/2021 07:33 GMT+7

Gần 2 năm lay lắt, hầu hết các doanh nghiệp ngành du lịch đều đã kiệt quệ, không thể nói mở là mở lại ngay.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2020 đến nay, các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Hiện nay, lượng doanh nghiệp (DN) xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30%, chỉ còn khoảng 2.000 DN có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc. Đáng chú ý, lĩnh vực kinh doanh lưu trú, chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch VN cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Du khách tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 3.10. Quảng Ninh là một trong 5 địa phương thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11.2021

Lã Nghĩa Hiếu

Tuy vậy, trong suốt 2 năm qua, những chính sách hỗ trợ đối với DN cũng như người lao động ngành du lịch còn triển khai khá chậm. DN không tiếp cận được nguồn vốn vay, rất nhiều ông chủ DN đã phải chuyển nghề sang bán khẩu trang, cà phê, thậm chí mở tiệm cắt tóc… Không ít hướng dẫn viên, điều hành tour đã không còn đủ sức để chờ đợi, phải về quê mưu sinh, chuyển đổi nghề nghiệp và bày tỏ không có mong muốn trở lại với du lịch.

Phố biển Nha Trang chính thức đón khách du lịch TP.HCM từ ngày 1.11

PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, đánh giá Covid-19 đã để lại sự tổn thương quá nặng nề đối với ngành du lịch. Muốn chữa lành, có 2 yếu tố rất quan trọng. Thứ nhất là từ nội thân các DN du lịch. Theo bà, nếu xác định quyết tâm điều trị “vết thương” thì các DN phải có giải pháp để đổi mới từ cấu trúc bên trong cho tới sản phẩm để có được sự bắt đầu. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả nguồn lực, sản phẩm, chiến lược và tinh thần.

Yếu tố thứ hai - thực sự quan trọng - là chính sách của nhà nước đối với ngành du lịch. Bên cạnh việc mở môi trường, chuẩn bị hạ tầng, cơ sở cho sự trở lại, Chính phủ, nhà chức trách ngành du lịch cần xây dựng chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các DN, đặc biệt là các DN quyết tâm chứng minh được họ sẽ hoạt động trở lại.

Bà Thúy lưu ý chính sách hỗ trợ cho DN nên có sự cân nhắc, đầu tư có chọn lọc, có chiến lược để tạo đà, tạo sinh khí trở lại cho thị trường du lịch. Đơn cử, với những DN, tập đoàn lớn đã trải qua khó khăn, cần cơ chế đầu tư đặc biệt để vực họ dậy. Những DN lớn, có sức bật mạnh, nếu hồi phục trước sẽ giúp thị trường sôi động trở lại, kéo các DN nhỏ vực dậy theo. Đối với các DN nhỏ, hãy hỗ trợ để họ duy trì và nuôi động lực để họ quay trở lại. Đây gọi là hỗ trợ động lực và duy trì.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ thật sự cụ thể, lan tỏa nhiều hơn đến lực lượng nòng cốt của ngành là người lao động. “Nếu không chăm sóc, không có chiến lược đầu tư, để mất đi nguồn nhân lực giỏi thì sẽ rất khó để du lịch mở cửa lại một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Cần xem lại khoảng cách giữa chính sách và thực thi để những hỗ trợ thật sự thiết thực và đến tay nhân lực ngành du lịch”, bà Ngọc Thúy đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.