Cần 'máy trợ thở ô xy' cho doanh nghiệp bất động sản

Đình Sơn
Đình Sơn
02/10/2021 07:15 GMT+7

Đối với các doanh nghiệp bất động sản , dòng tiền là ô xy và việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng chính là máy trợ thở ô xy để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Cấp tín dụng và giảm lãi suất

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), đánh giá hiện Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại vẫn coi hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản (BĐS) là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nên chưa xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng. Thậm chí, kể cả việc vay tín dụng tiêu dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà cũng chưa được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp (DN) thì dòng tiền là ô xy, việc được ngân hàng thương mại quan tâm xem xét tiếp tục cấp tín dụng chính là máy trợ thở ô xy cho họ. Chính vì vậy, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay khoảng 2%/năm; cho phép khoanh nợ, giãn kỳ hạn trả nợ, không chuyển khoản nợ đáo hạn sang khoản nợ xấu hơn cho các khách hàng. Quan trọng nhất là xem xét cho DN BĐS, người vay tín dụng để xây nhà, sửa chữa nhà, mua nhà đủ điều kiện thì được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới, tạo điều kiện cho họ phục hồi sản xuất kinh doanh và người mua nhà vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch bệnh.

Kích hoạt BĐS sẽ góp phần hồi phục kinh tế

Ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến: Hiệp hội và các DN BĐS đề xuất Chính phủ thí điểm ban hành chính sách phát triển nhà thương mại giá thấp để đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân là người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình, góp phần phục hồi nền kinh tế đất nước, vì lĩnh vực BĐS có liên quan đến 35 ngành nghề khác trong điều kiện bình thường mới, sống chung an toàn với dịch. Kích hoạt BĐS sẽ góp phần hồi phục kinh tế khi chúng ta mở cửa trở lại.

Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Châu, cần sửa đổi điểm c khoản 1 điều 75 luật Đầu tư, thực chất là sửa đổi khoản 1 điều 23 luật Nhà ở để tháo gỡ ách tắc các dự án nhà ở có đất nông nghiệp hoặc có đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Đây là những dự án quy mô lớn, nhưng 5 năm qua chưa được công nhận chủ đầu tư. Thủ tướng cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện 2 chính sách nhà ở đã có sẵn là Nghị định 69 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ rất khả thi và chính sách phát triển nhà ở xã hội để tạo quỹ nhà cho người lao động.

Trước đó, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ Xây dựng và các ban ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ các DN đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS, nhà môi giới BĐS gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Riêng đối với DN môi giới BĐS, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, đánh giá: sức ảnh hưởng của Covid-19 đến các sàn giao dịch BĐS là vô cùng lớn khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% DN còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. “Doanh thu sụt giảm đồng nghĩa với việc các sàn giao dịch buộc phải cắt giảm nhân sự, chế độ để giảm quỹ lương khi 78% sàn giao dịch phải thực hiện cắt giảm nhân sự (cho nghỉ việc) hoặc cho tạm nghỉ việc không lương. Theo đó, 45% lao động trong số các sàn giao dịch thực hiện cắt giảm không còn thu nhập (tương đương khoảng 26.325/75.000 lao động làm việc tại 500 sàn giao dịch). Số còn lại tuy được hưởng lương nhưng cũng chủ yếu hưởng lương cơ bản, phụ cấp nghỉ dịch, hoặc hưởng 50% lương do thực hiện làm luân phiên. Cũng theo khảo sát, hiện 28% sàn đã không còn quỹ lương để trả cho người lao động. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ có nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Do vậy, cần phải có những giải pháp để kịp thời hỗ trợ cho nhóm DN này”, ông Đính nói.

Doanh nghiệp tự tìm cách vượt khó

Trước khi chờ đợi những chính sách cụ thể được triển khai, nhiều DN BĐS cũng đã tìm nhiều cách để tháo gỡ khó khăn. Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam, cho biết dịch Covid-19 bùng phát khiến tình hình kinh doanh BĐS tê liệt. Tuy vậy, công ty vẫn cố gắng triển khai một số kế hoạch bán hàng nhằm thích nghi với điều kiện dịch bệnh. “DKRA Vietnam đã triển khai bán hàng trên fanpage của dự án Astral City (Bình Dương), thu hút hơn 2.000 lượt khách tham gia. Trong buổi mở bán, đã có hơn 80 sản phẩm được khách hàng đặt mua”, ông Lâm chia sẻ.

Hay như Tập đoàn Novaland đã nhanh chóng kích hoạt các phương án ứng phó tình huống khẩn cấp để bảo đảm hoạt động. Trong đó, việc kinh doanh online đã được tập đoàn này đẩy mạnh. Nhờ vậy, các dự án lớn của tập đoàn tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận vẫn được khách hàng quan tâm, tìm hiểu...

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh đã khiến các hình thức giao dịch trực tiếp, truyền thống không còn phù hợp. Thời kỳ trực tiếp gặp khách hàng, mời nhà đầu tư “tận mục sở thị” tới từng dự án, showroom để tìm hiểu về căn hộ, nội thất hay từng loại vật liệu xây dựng... không còn khả thi. Việc giao dịch trực tiếp tại các sàn giao dịch để đặt cọc, chốt hợp đồng không dễ dàng thực hiện… Để vượt qua thách thức này, việc ứng dụng công nghệ số hóa là yếu tố không thể thiếu để hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, nhiều DN đang đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng việc giãn cách xã hội kéo dài buộc các DN phải chuyển sang chế độ làm việc tại nhà hoặc tạm dừng hoạt động. Nhiều DN đã cố gắng đầu tư cho nền tảng bán hàng trực tuyến, tuy vậy, do thói quen giao dịch truyền thống và những yêu cầu khắt khe về pháp lý dẫn tới hình thức giao dịch mới này chưa hiệu quả. Bán hàng trực tuyến vẫn chỉ là giải pháp tình thế để chống chọi với đại dịch. “Những vướng mắc về pháp lý dự án cần phải sớm được tháo gỡ. Đây là nguyên nhân gây ách tắc nguồn lực đầu tư của DN kéo dài nhiều năm qua, dẫn đến việc triển khai dự án bất động sản tốn kém gấp 2 - 3 lần thời gian, nguồn lực so với kỳ vọng, gây lãng phí nguồn lực rất lớn, tác động lên chi phí đầu vào, làm gia tăng giá thành sản phẩm… Đây là giải pháp căn cơ nhất mà chính quyền cần hỗ trợ DN BĐS để vượt khó khăn”, bà Hương nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.