Cần mở rộng liên thông Cơ sở dữ liệu công chứng và địa chính

Ngân Nga
Ngân Nga
29/08/2023 08:00 GMT+7

Nhằm hạn chế giả mạo người và giấy tờ để công chứng, cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện xây dựng kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có 117 tổ chức hành nghề công chứng, là địa phương có số lượng công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng hàng đầu cả nước. Đáng báo động là hiện nay tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ tài sản, người sử dụng đất để yêu cầu công chứng và tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng tại TP.HCM ngày càng gia tăng và tinh vi hơn.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Thanh Hải, Trưởng Văn phòng công chứng Trần Thanh Hải, Q.Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ: "Văn phòng tôi phát hiện ra rất nhiều trường hợp khách hàng đến công chứng giả mạo người và giấy tờ, chủ yếu về nhà đất và xe. Chúng tôi đã lập biên bản và chuyển cho cơ quan điều tra xử lý. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khi vừa bị phát hiện là họ liền tẩu thoát".

Ông Trần Thanh Hải, Trưởng Văn phòng công chứng Trần Thanh Hải, Q.Bình Tân, TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương

Ông Trần Thanh Hải, Trưởng Văn phòng công chứng Trần Thanh Hải, Q.Bình Tân, TP.HCM Ảnh: Ngọc Dương

Theo điều 62 luật Công chứng: "Cơ sở dữ liệu công chứng bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng".

Dữ liệu nguồn gốc tài sản đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là một phần của cơ sở dữ liệu công chứng. Do đó, Sở Tư pháp TP.HCM đã xây dựng và triển khai thực hiện Cơ sở dữ liệu công chứng điện tử, trong đó có hệ thống dữ liệu về thông tin ngăn chặn, giải tỏa và hệ thống dữ liệu về tình trạng lịch sử giao dịch.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, do chưa được kết nối với cơ sở dữ liệu địa chính (do ngành tài nguyên và môi trường quản lý) nên cơ sở dữ liệu công chứng tại TP.HCM vẫn chưa hoàn chỉnh. Hiện vẫn còn thiếu thông tin về "nguồn gốc tài sản" đối với quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tháng 8.2022, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thí điểm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng tại 7 phòng công chứng với cơ sở dữ liệu địa chính tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai; sau đó sẽ tiến tới kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu trên toàn TP.HCM.

Hiện nay, chưa có hệ thống liên kết để tham khảo thông tin người yêu cầu công chứng về nhân thân cũng như tình trạng tài sản, đặc biệt là giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký đất đai. Do đó, ông Trần Thanh Hải cho rằng vẫn còn hợp đồng, văn bản đã được công chứng nhưng vẫn không cập nhật đăng bộ sang tên vì đang bị tranh chấp, mà công chứng viên không thể biết được tại thời điểm công chứng.

"Để khắc phục tình trạng trên, tôi mong Bộ Tư pháp sớm phối hợp các bộ ngành có liên quan xây dựng kết nối, chia sẻ dữ liệu công chứng, chứng thực với cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai của văn phòng đăng ký đất đai. Trong đó có dữ liệu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm", ông Hải nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.