Cần một 'biệt đội thông cống'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/10/2022 05:15 GMT+7

Có lẽ người dân TP. Đà Nẵng sẽ không bao giờ quên cảnh tượng đường phố sau trận mưa lịch sử chiều 14.10, đường phố biến thành sông với mức ngập sâu chưa từng có. Sáng 15.10, đường phố ngập ngụa bùn đất, ô tô chết máy la liệt…

Trong tối 14.10, khi lượng mưa lớn trút xuống Đà Nẵng, khu vực nơi người viết sinh sống ở P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà) được cho là nước lụt “bất khả xâm phạm” cũng bị ngập sâu. Người viết cầm đèn pin lò dò dọc theo tuyến đường Nại Hưng 1, thì không thể tìm thấy một cửa cống nào. Dọc vỉa hè, các cửa cống đều bị cây cối, bụi rậm che phủ hoàn toàn. Cả tuyến đường trở thành con sông chảy xiết, đổ nước về sông Hàn. Cố gắng gạt tay để tìm, sau một hồi lưới chắn rác cũng lộ ra. Nước cứ thế đổ xuống cống ầm ầm. Tuyến đường nhanh chóng rút nước…

Nhiều ý kiến cho rằng trước dự báo mưa lớn cần khai thông cống để chống úng ngập

HOÀNG SƠN

Chuyện này không phải lạ tại TP.Đà Nẵng. Nhiều người dân phản ánh trước đó, dù mưa chưa lớn nhưng do các cửa cống bị đóng lại nên có những khu vực bị ngập cục bộ.

Trong lúc chờ cơ quan chức năng phân tích các nguyên nhân vì đợt ngập lụt lịch sử, nhiều người trực tiếp đi thông cống đã đưa ra nhận định: ngập sâu có nguyên nhân các cửa cống bị bít hết. Một số cuộc họp, ngành chức năng cũng từng đưa ra lý do một số khu vực bị ngập cục bộ là do khi mưa lớn, miệng, cửa cống bị người dân che lấp trước đó để ngăn mùi hôi, chuột chạy…

Đường phố Đà Nẵng ngổn ngang, nước lút đầu sau trận mưa lịch sử

Sau trận ngập lụt lịch sử, mỗi người dân Đà Nẵng có một nhận định riêng. Có người kiến nghị vui nhưng sát, hợp thực tế: mỗi tổ dân phố nên “biên chế đội trai tráng thông cống ngày bão”. Tôi thì cho rằng trước mỗi đợt có dự báo mưa lớn, song hành với các biện pháp ứng phó thì còn phải thêm phần việc cần thiết nữa: kiểm tra hệ thống cống, cửa cống thoát nước. Như vậy công tác chống úng ngập sẽ có kết quả tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.