Cần một cơ chế đánh giá khoa học thực chất

25/11/2022 07:15 GMT+7

Mặc dù phát triển khoa học và công nghệ từ rất lâu đã được coi là quốc sách, thẳng thắn mà nói, nền khoa học của nước ta, theo nghĩa rộng, vẫn chưa đạt tầm khu vực, chưa nói chuyện tham gia vào sân chơi rộng hơn.

Mặt khác, cùng với sự phát triển về kinh tế của đất nước, đầu tư cho khoa học ngày càng tăng. Nếu như ngày trước, đầu tư cho khoa học chỉ dừng lại ở mức giúp các nhà khoa học cải thiện một chút cuộc sống khó khăn của mình, thì ngày nay tại nhiều chỗ, nhiều nơi, kinh phí nghiên cứu khoa học đã chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng thu nhập của một nhà khoa học.

mẩu quảng cáo được rao trên trang 123mi.ru (trái) và tiêu đề, tóm tắt bài báo đã được công bố (phải)

DƯƠNG TÚ

Không chỉ có các nguồn đầu tư ngân sách nhà nước, chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy cả các nguồn đầu tư, tài trợ ngoài ngân sách. Mặc dù vậy thì trong “cuộc chơi” này, nhà nước vẫn luôn phải nắm vai trò chủ đạo. Đó là thực tế tại bất kỳ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới. Đã là đầu tư thì phải tính tới hiệu quả và vấn đề khó khăn nhất đối với chúng ta, cũng như mọi nước đang phát triển, là đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học, bao gồm đánh giá một cơ sở nghiên cứu, một nhóm nghiên cứu và từng nhà khoa học.

Thẳng thắn mà nói, công tác này các cơ quan quản lý khoa học thực hiện chưa tốt. Các quy định về đánh giá chất lượng nghiên cứu quá chung chung, thiếu sự lưu ý tới thực trạng nghiên cứu của từng lĩnh vực, nặng về định lượng và đặc biệt, dựa vào những yếu tố nước ngoài mà trong một số trường hợp hoàn toàn mất kiểm soát.

Đơn cử, Quyết định 37 của Hội đồng GS nhà nước xác định khái niệm “tạp chí quốc tế có uy tín” là những tạp chí “trong các danh mục Web of Science, Scopus hoặc danh mục quốc tế khác do Hội đồng GS nhà nước quy định”. Việc đẩy trách nhiệm “kiểm định chất lượng” sang các tổ chức tư nhân như Web of Science, Scopus vô hình trung giải phóng trách nhiệm của các hội đồng xét chọn. Mặt khác, việc áp tiêu chuẩn “quốc tế uy tín” một cách đại trà, thiếu sự quan tâm tới thực tiễn nghiên cứu ở Việt Nam, rất tiếc đã gây ra động lực ngược, tạo ra một sự bùng nổ về “công bố quốc tế rởm” trong những lĩnh vực mà tính hội nhập quốc tế còn thấp, vì mục đích đạt chuẩn chất lượng GS/PGS.

Ngay tại quỹ NAFOSTED, đơn vị có thể nói là đi tiên phong trong đánh giá nghiên cứu, trách nhiệm của các hội đồng ngành cũng được “chuyển” cho các danh sách tạp chí uy tín. Điều này khiến cho ngay cả những người làm khoa học tích cực và nghiêm túc cũng phải chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, không dám đầu tư thời gian, tâm huyết cho những dự án tầm cỡ.

Thay đổi cơ chế đánh giá nghiên cứu là việc phải làm càng sớm càng tốt, để tiền thuế của người dân được sử dụng một cách hiệu quả. Có rất nhiều việc phải bàn bạc, trao đổi, nhưng theo tôi, không thể có cách đánh giá nào khác ngoài việc sử dụng ý kiến chuyên môn của chính những nhà khoa học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.