Cần một nhạc trưởng quyền lực

20/04/2023 04:12 GMT+7

Mở rộng không gian phát triển thì tỉnh, thành nào cũng mong muốn nhưng vì vấn đề ngân sách riêng, lợi ích xung đột và không có một nhạc trưởng thực sự quyền lực để điều phối nên hầu hết các Hội đồng vùng hiện nay đều không hiệu quả.

"Gặp nhau thì rất vui vẻ nhưng họp xong tỉnh nào về lo tỉnh đó; không ông chủ tịch nào chịu nghe ông kia đâu"... là những nhận xét thẳng thắn về các Hội đồng vùng hiện nay. Thế nên, hầu hết các dự án liên vùng đều bị chậm hoặc vướng vì có thể cấp thiết với nơi này nhưng chưa gấp với nơi khác. Nơi này thì ưu tiên còn một hoặc nhiều nơi khác thì cứ "từ từ tính" trong khi đối với xu thế phát triển hiện nay, việc liên kết, liên vùng ngày càng nhiều, càng lớn, càng quan trọng. Chẳng hạn như về giao thông, một con đường có thể chạy qua nhiều tỉnh/thành, không liên kết thì không thể thực hiện đồng bộ. Hay trong lĩnh vực du lịch, lãnh đạo nhiều tỉnh ĐBSCL không ít lần than phiền du khách chỉ cần đến một địa phương là đủ vì sản phẩm, dịch vụ chỗ nào cũng na ná nhau. Đó là lý do du lịch khu vực này chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế dù chính quyền các địa phương cũng liên minh, liên kết. Vấn đề là chưa có một nhạc trưởng điều phối chỗ này phát huy bản sắc này, chỗ kia xây dựng đặc trưng riêng... Thế nên liên kết thì vẫn liên kết nhưng xong thì lại mạnh ai nấy làm.

Chưa kể thực tiễn còn phát sinh nhiều vấn đề. Ví dụ như Vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 tỉnh, trong đó địa phương sở hữu chặng dài nhất thông thường sẽ đứng vai trò nhạc trưởng thì chưa có kinh nghiệm hay vị thế để điều phối một công trình lớn. Mà giao cho "ông" lớn nhất thì cũng không ổn vì như nói trên, có thể cấp thiết với TP.HCM nhưng chưa chắc cấp thiết với các địa phương còn lại. Thế nên, một nhạc trưởng đủ quyền lực để điều phối cả vùng là không thể thiếu và không thể chậm trễ nếu muốn mô hình Hội đồng vùng hoạt động hiệu quả. Cũng cần phải nhấn mạnh, bản chất của Hội đồng vùng là cơ quan điều hành phát triển cho cả một vùng. Vì thế, quyền lực của nhạc trưởng phải từ cấp trung ương thì mới có thể điều phối lãnh đạo các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức, tài chính, kế hoạch... của Hội đồng vùng cũng phải được quy định cụ thể chứ thành lập hội đồng xong ngân sách tỉnh nào tỉnh ấy giữ, tỉnh đó phân bổ; kế hoạch tỉnh nào tỉnh ấy lập thì cũng bằng không.

Thật ra những vấn đề này ai cũng nhìn thấy, cũng đã được mổ xẻ phân tích thấu đáo đầy đủ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, các Hội đồng vùng hiện nay vẫn chủ yếu là trên danh nghĩa, chưa thực sự phát huy sức mạnh liên kết. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều dự án dở dang, chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giải ngân đầu tư công được coi là giải pháp hiệu quả để vực dậy sản xuất, tiêu dùng thì việc đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia càng trở nên cấp thiết. Lúc này, rất cần vai trò của Hội đồng vùng trong việc thúc đẩy, điều phối để các dự án được triển khai đồng bộ, xuyên suốt.

Thế giới đã phẳng hơn 2 thập niên, VN đã ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương để mở rộng không gian tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước. Ra biển lớn còn được, huống chi liên kết vùng nội địa. Vấn đề vẫn cứ là chúng ta có quyết liệt để mô hình Hội đồng vùng thực sự phát huy sức mạnh hay không mà thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.