Phiên thảo luận diễn ra vào ngày 15.12 tại TP.HCM. Đây là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nhân trẻ ASEAN + 3, năm 2018, do Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp T.Ư Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức diễn ra từ ngày 13-16.12, tại TP.HCM và tỉnh Đồng Tháp.
Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, anh Nguyễn Tuấn Khởi, cho rằng: “Nông nghiệp là một lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt là với các nước Châu Á, nơi góp phần lớn đảm bảo trữ lượng lương thực toàn cầu. Trong đó, các nước trong khu vực ASEAN như: Việt Nam, Thái Lan... có các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới như: gạo, cà phê, thủy sản...”.
|
Theo anh Khởi, vai trò của các nhà khởi nghiệp trong việc hình thành các sáng kiến mới, tận dụng sức trẻ kết hợp với công nghệ cao sẽ là xu hướng trong tương lai. Đặc biệt, với hơn 630 triệu dân thì ASEAN là một thị trường tiêu thụ rộng lớn đủ sức hấp dẫn để các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có thể vẫy vùng.
Để thực hiện điều này tốt hơn, anh Khởi đề xuất: “Cần có một trung tâm điều phối phát triển chung về nông nghiệp của các nước ASEAN, hoặc là một diễn đàn thường niên của các nhà khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp. Khái niệm nông nghiệp chia sẻ cần được đưa ra khỏi phạm vi một quốc gia như: công nghệ, học tập kinh nghiệm giữa các nhà khởi nghiệp, nông dân...và cần có một hội chợ xúc tiến thương mai nông nghiệp thường niên dành cho các đơn vị mà các nước luân phiên làm chủ nhà”.
Anh Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc Hạt điều Gia Bảo, kể: “Nhà tôi trồng điều, quê tôi ở tỉnh Bình Phước có cây điều sao gia đình chúng tôi vẫn nghèo. Tôi muốn trả lời câu hỏi này”.
Sơn quyết định phải tìm được câu trả lời. Lần theo các doanh nghiệp chế biến, anh Sơn tới được Bình Dương, nơi hạt điều được đưa đến, chế biến, đóng gói. “Tôi hiểu rằng, nếu chỉ thu mua điều về sơ chế để bán lại, tôi sẽ không thể nào kể được câu chuyện về hạt điều của vùng quê Bình Phước cho thị trường. Cách duy nhất để làm thương hiệu là phải sản xuất được sản phẩm cuối cùng”, Sơn, nói.
|
Theo anh Sơn, vai trò hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý nông nghiệp là rất lớn, bởi các nhà khởi nghiệp về nông nghiệp công nghệ cao bị lệ thuộc rất lớn vào yếu tố đặc thù của sản phẩm nông nghiệp. Ý tưởng tốt, công nghệ tiên tiến nhưng chưa được chính sách hỗ trợ theo kịp cũng không phát huy được. Ví dụ: một dự án kết nối một vùng trồng vú sữa xuất khẩu thẳng qua Nhật... nhưng các thủ tục rườm rà về kiểm định, hải quan... sẽ dễ làm tan rã. Vấn đề trung gian phụ trợ cho phát triển nông nghiệp như logictics, thủ tục... là cực kỳ quan trọng.
|
Anh Darren, doanh nhân trẻ của Singapore, chia sẻ: “Tại mỗi quốc gia, chúng ta đều có những vấn đề khác nhau. Có người cho rằng cần tạo nên môi trường sinh thái ổn định, một số khác nghĩ cách tối đa hoá năng suất, có người lại muốn tập trung giúp những người nông dân đạt được mức sống tốt hơn. Nhiều người nhanh chóng nghĩ rằng công nghệ sẽ giải quyết mọi thứ. Tương lai của công nghệ không chỉ là công nghệ mà còn là vấn đề con người. Và đó chính vấn đề mà ASEAN cần chung tay. Bởi ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, và chúng ta được dự đoán sẽ tăng trưởng lên vị trí thứ 4 trong năm 2030. Và nông nghiệp là xương sống của nền kinh tế của nhiều các quốc gia ASEAN”.
Bình luận (0)