Cần nền tảng trực tuyến cho cứu hộ và cứu trợ

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
04/11/2024 06:05 GMT+7

Trong mưa lũ, chuyện đáng quan tâm nhất là cứu hộ, sau đó là cứu trợ. Một là mạng sống, một là cái ăn. Với diễn biến mưa lũ thất thường và thường xuyên như vài năm trở lại đây, nhất là ở miền Trung, có lẽ cần thiết lập một đường dây nóng, một nền tảng trực tuyến dành cho cứu hộ và cứu trợ.

Trong những đêm 27 và 28.10, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 đã nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà ở H.Lệ Thủy và H.Quảng Ninh (Quảng Bình). Trên mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt dòng tin nhắn cầu cứu. Trong bối cảnh mưa lũ và ngập lụt ở miền Trung, nhu cầu được ứng cứu của người dân ngày càng cấp thiết, và nhiều người đã chuyển sang mạng xã hội để kêu gọi sự trợ giúp. Thực tế, ở VN hiện nay cũng có rất nhiều đội cứu hộ được thành lập và sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần. Nhưng làm sao để kết nối giữa người cần cứu hộ và người muốn cứu hộ?

Tại vùng lũ Quảng Bình, nhiều ngày qua lực lượng công an, quân đội và các đoàn thể địa phương đã làm rất tốt phần việc của mình khi điều động lượng lớn nhân lực, phương tiện lăn xả để vào tận những nơi ngập sâu nhất, giải cứu người dân… Nhưng rất khó để họ có thể "trả lời" được mọi tiếng kêu cứu. Và có một thực tế khác là vào chiều 28.10, UBND H.Lệ Thủy đã phải "xin" lực lượng cứu hộ, cứu trợ từ các địa phương khác hãy khoan vào vùng lũ, để đảm bảo an toàn cho chính họ vì thời điểm ấy mực nước đang lên…

Từ những thực tế đó, đặt ra yêu cầu về một hệ thống hỗ trợ cứu trợ chính quy, kịp thời và hiệu quả hơn từ các cơ quan chức năng. Đã đến lúc đặt ra các vấn đề như tạo một nền tảng trực tuyến do nhà nước quản lý để tiếp nhận và phản hồi các yêu cầu cứu trợ, tích hợp với các mạng xã hội. Người dân có thể đăng ký vị trí, mô tả tình trạng và yêu cầu hỗ trợ để các đội cứu hộ dễ dàng nắm bắt. Phát triển ứng dụng cứu trợ khẩn cấp với tính năng định vị GPS và kết nối trực tiếp, bởi ở VN, đặc biệt là khu vực miền Trung, năm nào cũng có không dưới 10 cơn bão. Các cơ quan chức năng cũng nên thiết lập các đường dây nóng tại địa phương dành riêng cho việc tiếp nhận yêu cầu cứu trợ. Đội ngũ điều hành có thể sử dụng thông tin này để điều phối và phân công nhiệm vụ cho các lực lượng cứu hộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.