Được biết đến với thương hiệu đầu Karaoke 5 số Arirang, Công ty CP dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) là đơn vị thường xuyên bị làm giả, làm nhái sản phẩm. Ngày 8.1.2013, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự Quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh cá thể tại số 138/7/7 Nguyễn Súy, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM do ông Nguyễn Đức Danh làm chủ. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều sản phẩm của Maseco bị làm giả trắng trợn. Tang vật thu giữ gồm 88 Amlifier PA 203 III, 16 Amlifier PA 203N, 210 bao bì các loại đã in đầy đủ các thông số như bao bì thành phẩm, 49 nắp vỏ hộp sắt Arirang… Ngày 28.3.2013, sau khi được Viện KSND TP.HCM phê chuẩn, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam Nguyễn Đức Danh để phục vụ công tác điều tra.
|
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, mới đây nhất, Công an Q.12 (TP.HCM) bắt quả tang “tổ hợp” chuyên sản xuất hàng giả, gồm: bột giặt Omo, băng vệ sinh Kotex, bột ngọt Ajinomoto và nước rửa chén… của Nguyễn Xuân Truyền (tạm trú KP.4, P.An Phú Đông, Q.12). Khám xét nơi ở của Truyền, công an thu giữ nhiều loại bao bì chuẩn bị đóng gói để đưa đi tiêu thụ, 1 máy ép, 2 cân đồng hồ, 2 dao cắt, 2 máy cuốn… và hơn 2.000 bao bột giặt Omo, 1.800 bao bột ngọt Ajinomoto, 14.000 băng vệ sinh Kotex, gần 500 chai nước rửa chén Sunlight. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn thu giữ hàng trăm sản phẩm thành phẩm vừa xuất xưởng sắp tung ra thị trường.
Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết chỉ riêng quý 1/2013, QLTT TP đã xử lý 84 vụ hàng giả nhãn hiệu và 227 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, với tổng số tiền xử phạt trên 10 tỉ đồng; tiêu hủy nhiều hàng giả... Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng tình trạng làm hàng giả vẫn “liên tục phát triển”.
Cần chế tài nghiêm
Theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, sở dĩ hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan có nguyên nhân chủ yếu là chế tài với hành vi này không đủ sức răn đe. Để triệt tiêu tình trạng làm hàng giả, Maseco đã phải cử hẳn một bộ phận chuyên “trinh sát” hàng giả trên cả nước để báo cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng, rất nhiều vụ sau đó người làm giả hàng hóa chỉ bị xử phạt hành chính, tiêu hủy sản phẩm. Ông Lê Thiện Hưng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ điện Công ty Maseco, chia sẻ: “Phải mất 1 năm trời “mật phục” chúng tôi mới đủ bằng chứng để báo công an cất vó được vụ lớn như nói trên để khởi tố hình sự. Còn thực tế, hiện nay mức độ xử phạt hành vi làm hàng giả nhẹ hều nên dù có cố công phát hiện thì phần lớn đều bị xử lý hành chính. Vì vậy, loại tội phạm này lâu lâu lại tái phạm, họ chẻ nhỏ số lượng ra để né luật thì mình thua”.
Để tình trạng hàng giả không còn đất sống, các chuyên gia cho rằng cần tăng nặng mức hình phạt. Có như vậy mới đảm bảo được môi trường cạnh tranh lành mạnh, hàng hóa trên thị trường có chất lượng đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Lê Công Sơn
>> Hàng giả giống như... thật!
>> Hàng giả cổ ngập “chợ đồ cổ”
>> Báo động về hàng giả
>> 4 phiên chợ bán hàng giá rẻ
>> Hàng giả, kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ tăng đột biến
>> Bán hàng giá ưu đãi phục vụ công nhân
>> Châu Âu phát động chiến dịch chống hàng giả
>> Chống hàng giả bằng tem điện tử
Bình luận (0)