Cần nghiên cứu, nhân rộng giống sầu riêng bản địa Chuồng Bò, Chín Hóa

Lê Lâm
Lê Lâm
07/06/2024 16:29 GMT+7

Cần đưa giống sầu riêng Chuồng Bò, cơm vàng hạt lép (còn gọi là Chín Hóa) vào nghiên cứu và phát triển cây đầu dòng, đưa quy hoạch vùng chuyên canh phù hợp. Vì đây là giống sầu riêng bản địa được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như giá trị.

Đó là đề xuất của ông Trương Việt Thắng, Giám đốc Công ty trái cây Toàn Thắng (một đơn vị thu mua, xuất khẩu sầu riêng lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai) tại hội nghị phát triển bền vững ngành sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai tổ chức vào ngày 7.6.

Cần nghiên cứu, nhân rộng giống sầu riêng bản địa Chuồng Bò, Chín Hóa- Ảnh 1.

Trái sầu riêng Chín Hóa

LÊ LÂM

Theo ông Trương Việt Thắng, lâu nay thương hiệu sầu riêng Việt Nam bị đánh giá thấp cả về giá trị cũng như chất lượng so với sầu riêng Thái Lan. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu 2 giống sầu riêng chính là là Ri 6 và DONA. Cả 2 giống này đều được thị trường nước ngoài đón nhận tích cực nhưng còn tồn tại một số bất cập.

Cụ thể, sầu riêng Ri 6 và DONA của Việt Nam có chất lượng và ngoại quan không đồng đều giữa các vùng miền. Chẳng hạn khu vực các tỉnh miền Tây có chất lượng tốt nhất với cơm vàng, dày và hạt lép, còn khu vực miền Đông thì hạt to và tròn hơn, dẫn đến tỷ lệ cơm không cao.

Từ đó, ông Trương Việt Thắng đề nghị Sở NN-PTNT, Viện cây ăn quả có biện pháp kiểm soát và cải tiến giống, cây đầu dòng, quy trình canh tác nhằm nâng cao chất lượng sầu riêng trong giai đoạn phát triển nóng như hiện nay.

Cần nghiên cứu, nhân rộng giống sầu riêng bản địa Chuồng Bò, Chín Hóa- Ảnh 2.

Người dân mua sầu riêng Chín Hóa trên địa bàn H.Long Thành (Đồng Nai)

LÊ LÂM

Ngoài ra ông Thắng còn đề xuất đưa giống sầu riêng Chuồng Bò, Chín Hóa vào nghiên cứu và phát triển cây đầu dòng, cũng như quy hoạch vùng chuyên canh phù hợp.

"Đây là giống sầu riêng bản địa được đánh giá rất cao về chất lượng cũng như giá trị trong và ngoài nước", ông Thắng nói.

Bên cạnh đó chính quyền địa phương cần vận động các hộ nông dân có mã vùng trồng cũng như chưa có mã tích cực tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã, nhằm nâng cao, chuẩn hóa kiến thức canh tác cũng như tuân thủ tuyệt đối việc sử dụng phân bón và thuốc phòng ngừa dịch hại, nhằm kiểm soát và truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng quả sầu riêng.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có 12.654 ha sầu riêng, tập trung tại các huyện Tân Phú, Cẩm Mỹ, Long Khánh, Định Quán… Trong đó, chiếm phần lớn là 2 giống sầu riêng Ri6 và DONA, đây là hai giống sầu riêng chủ lực chiếm 95% diện tích sầu riêng toàn tỉnh. Diện tích ít ỏi còn lại là các giống Chuồng Bò, Chín Hóa...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.