Nếu như việc hướng đến mục tiêu 80/20 (80 tuổi còn 20 răng thật) là việc khó với các phụ huynh thì với con cái của họ, việc đạt đến mục tiêu này đơn giản hơn rất nhiều.
Bác sĩ nha khoa Phạm Việt Hùng kể ông trò chuyện với nhiều bé 4-5 tuổi, bé nào cũng thuộc vanh vách các nguyên nhân gây sâu răng, cần chải răng vào lúc nào, mấy lần một ngày… nhưng trẻ vẫn sâu răng.
Ông cho biết khi trẻ ở gian đoạn răng hỗn hợp (có cả răng sữa và răng vĩnh viễn), phụ huynh cần quan tâm kỹ lưỡng hơn đến vấn đề chăm sóc răng miệng của con, đặc biệt khi răng cối lớn đầu tiên (răng số 6) mọc khoảng lúc trẻ 6 tuổi. Nếu trẻ vẫn còn các thói quen xấu như mút ngón tay, thở miệng… cha mẹ cần thiết dành thời gian và sự can thiệp cần thiết để giúp trẻ loại bỏ. Các thói quen xấu này sẽ gây ra tình trạng răng hô, móm cùng nhiều hệ lụy liên quan đến hô hấp và sức khỏe của trẻ về sau.
|
Sự chuẩn bị chu đáo của cha mẹ ở giai đoạn đầu đời giúp cơ thể con phát triển tối ưu nhất và hàm răng của con cũng có cơ hội phát triển tối ưu nhất. Chỉ khi cha mẹ đã làm tất cả điều cần làm mà hàm răng con vẫn có khiếm khuyết thì khi ấy bác sĩ nha khoa mới can thiệp.
“Phải rất hạn chế, vô cùng cân nhắc khi quyết định nhổ bỏ răng. Dù là nhổ răng sâu hay nhổ răng để chỉnh nha niềng răng. Mất răng làm giảm không gian trong khoang lưỡi gây nguy cơ tái hô, hẹp đường thở. Ngoài ra nếu răng thật cần chăm sóc 1 thì răng sứ phải chăm sóc 10”, bác sĩ Hùng cho biết. Thay vì đợi trẻ lớn mới chỉnh hình thì chăm sóc răng miệng từ bé, theo dõi sự phát triển của răng và can thiệp kịp thời sẽ tốt hơn và hạn chế việc phải nhổ răng.
Ngoài ra, hãy tránh bạo lực cảm xúc với trẻ khi cần can thiệp nha khoa. Cha mẹ và bác sĩ nên trò chuyện với trẻ để cho trẻ thấy đây là phương án giải quyết giúp trẻ có hàm răng đẹp chứ không phải là hình phạt vì trẻ đã không chăm sóc răng miệng.
Phụ huynh chú ý cho trẻ ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng đều đặn, chải răng đúng cách sẽ tránh được các việc không đáng có như nha chu, viêm nướu, sâu răng, răng lệch lạc…