Ngày 27.12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 13, các đại biểu tập trung góp ý việc chăm lo nhu cầu về nghề nghiệp và việc làm của thanh niên.
Đại biểu đóng góp ý kiến thảo luận tại hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn - Ảnh: Phan Mai Ka |
Anh Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, cho rằng cần có thêm nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tự tạo việc làm, chỉ có cách này mới thu hút được họ ở lại địa phương, góp sức phát triển kinh tế xã hội.
Bí thư Tỉnh đoàn Hải Dương Hoàng Quốc Thưởng cho biết khảo sát trong các doanh nghiệp may tại Hải Dương, tỷ lệ công nhân có trình độ CĐ, ĐH chiếm đa số. Đây là những trường hợp tốt nghiệp ra trường nhưng không có việc làm phải chấp nhận đi làm công nhân. Theo anh Thưởng, ngay từ bậc THPT, học sinh không được định hướng sâu về nghề nghiệp, dẫn đến sự lãng phí lớn của nguồn lực xã hội khi mất tới 3 - 4 năm đi học nhưng không có được việc làm đúng chuyên môn. Vì vậy, cần đầu tư nhiều hơn các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Chị Trần Thị Vĩnh Nghi, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, phản ánh ở nhiều địa phương thanh niên được đào tạo qua các lớp học nghề ngắn hạn của ngành lao động, khi học xong rất khó khăn để tìm việc. Thời gian đào tạo ngắn nên chưa thể có kỹ năng tốt để làm được nghề, sống được với nghề. T.Ư Đoàn nên kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH điều chỉnh, kéo dài thời gian đào tạo đối với các khóa học nghề dành cho thanh niên, để có hiệu quả thiết thực.
Hôm nay 28.12, hội nghị tiếp tục với nội dung đánh giá tổng kết thực hiện đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015 (gọi tắt là Đề án 103), kết luận số 98 ngày 17.6.2008 của Ban Thường vụ T.Ư Đoàn khóa 9 về: Các giải pháp tăng cường dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên.
Bình luận (0)