Cần những bước tiến trong chính sách để duy trì đà phát triển năng lượng tái tạo

13/04/2023 09:00 GMT+7

Tiến sĩ David Jacobs (IET – International Energy Transition GmbH) & Toby D. Couture (E3 Analytics) có kinh nghiệm tư vấn chính sách và chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho chính phủ của hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có nhiều quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam.

Những thành công của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao

Việt Nam đã có một khởi đầu phát triển năng lượng tái tạo ấn tượng với hơn 18.500MW công suất điện mặt trời và hơn 4.000MW công suất điện gió trên bờ được lắp đặt chỉ trong vòng vài năm, trở thành quốc gia có công suất lắp đặt điện gió và điện mặt trời cao nhất khu vực ASEAN và đi đầu trong việc triển khai năng lượng tái tạo trong số các nền kinh tế mới nổi.

Cần những bước tiến trong chính sách để duy trì đà phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 1.

Chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, khoảng 15-18 tỉ USD được đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời và khoảng 6 tỷ USD được đầu tư vào điện gió tại Việt Nam. Đây cũng là thời điểm mà hoạt động đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác bị đình trệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Từ góc độ quốc tế, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á về chuyển dịch năng lượng với khung chính sách mạnh mẽ và sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, những thành công về chính sách của Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại khi nhiều chính sách khuyến khích quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung thực hiện một loạt các điều chỉnh đối với hạ tầng lưới điện và hoàn thiện quy hoạch phát triển nguồn điện để tiếp tục tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tương lai. Mặc dù việc nghiên cứu, thực hiện những điều chỉnh này cần có thời gian và đã mang lại cho Việt Nam cơ hội nhìn lại và rút kinh nghiệm sau giai đoạn phát triển bùng nổ năm 2020-2021, nhưng cùng với xu hướng tăng tốc nhanh trên thế giới sau COP 26, Việt Nam cần sớm quay trở lại đường đua để thu được nhiều hơn lợi ích phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất phải đối mặt với các thách thức trong quá trình chuyển dịch năng lượng

Các bên liên quan đang tập trung tìm kiếm các giải pháp hợp lý để thay thế chính sách giá FIT và đồng bộ giữa phát triển nguồn điện, lưới điện và nhu cầu phụ tải, đồng thời tránh được "hiệu ứng vách đá" do cơ chế FIT. Ví dụ như vào tháng 12 năm 2020 tại Việt Nam, hơn 6 GW công suất điện mặt trời mới đã đi vào hoạt động chỉ trong vòng một tuần.

Cần những bước tiến trong chính sách để duy trì đà phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh 2.

Thực tế, nhiều quốc gia đã trải qua quá trình phát triển ồ ạt tương tự khi các dự án được gấp rút hoàn thiện để được áp dụng chính sách ưu đãi, chẳng hạn như tại Đức trong giai đoạn 2011-2012 và tại Tây Ban Nha trong giai đoạn 2008-2009. Sự bùng nổ phát triển điện mặt trời đã tạo ra áp lực rất lớn lên hệ thống điện, dẫn tới sự chững lại trong phát triển dự án và sự sụt giảm đáng kể trong đầu tư vào lĩnh vực này trong giai đoạn tiếp theo.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chính sách mới ban hành nên việc phát triển các dự án mới bị đình trệ, làm giảm các khoản đầu tư cần thiết vào các dự án nguồn điện mới.

Quá trình chuyển dịch năng lượng và hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng không chính là quá trình chuyển đổi nhanh chóng và sâu sắc nhất đối với các nền kinh tế và xã hội mà nhân loại từng trải qua. Các nhà hoạch định chính sách và nhà lập pháp cần duy trì sự linh hoạt để điều chỉnh khung chính sách theo thời gian và học hỏi từ những kinh nghiệm trong quá khứ.

Đã đến lúc kích hoạt giai đoạn tiếp theo cho quá trình phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam

Hiện có nhiểu quốc gia tích hợp tỷ trọng điện mặt trời trong cơ cấu nguồn điện cao, ví dụ như Adelaide (Nam Úc) là tiểu bang đã đáp ứng được 100% nhu cầu phụ tải của khu vực chỉ từ nguồn điện gió và điện mặt trời trong khoảng thời gian 10 ngày. California - Mỹ cũng đáp ứng 100% nhu cầu phụ tải từ nguồn điện gió và điện mặt trời, trong đó điện mặt trời chiếm 2/3 công suất.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió hiện là hai nguồn sản xuất điện năng rẻ nhất nên việc tăng cường mở rộng quy mô phát triển năng lượng tái tạo sẽ mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung xây dựng luật năng lượng tổng thể cũng như các chính sách mới về điện mặt trời mái nhà cho cả khách hàng cư dân cũng như khách hàng thương mại và công nghiệp, thực hiện các quy định đối với các Hợp đồng mua bán điện song phương, ban hành cơ chế đấu thầu năng lượng tái tạo và triển khai một cơ chế hỗ trợ phát triển để đẩy mạnh đầu tư vào điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, Việt Nam cần có cơ chế đảm bảo tích hợp năng lượng tái tạo một cách hiệu quả vào hệ thống điện quốc gia, triển khai các biện pháp tăng cường tính linh hoạt của nhu cầu phụ tải, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo có sản lượng ổn định, và khả năng đáp ứng nhanh như hệ thống lưu trữ năng lượng để cải thiện khả năng cân bằng lưới điện và cung cấp các dịch vụ phụ trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.