Cần những đội tàu lớn hỗ trợ ngư dân

24/05/2014 03:05 GMT+7

Thảo luận tại tổ sáng qua 23.5, nhiều ĐBQH nhấn mạnh nhà nước cần đầu tư đóng nhiều tàu lớn, sau đó cho ngư dân thuê để ra khơi đánh bắt cá, giữ chủ quyền.

Kiến nghị này đưa ra trong bối cảnh TQ vẫn tiếp tục leo thang các hành động gây hấn xoay quanh khu vực đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển VN.

 

Ép người Việt ký vào bản đồ phi pháp

Thảo luận tại tổ sáng qua, ông Phạm Văn Cường, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai, cho biết ngày 21.5, TQ đã ép người dân nhập cảnh trở lại VN phải ký vào bản đồ thừa nhận Hoàng Sa của TQ mới cho qua. Dẫn lại bài học từ năm 1979, ông Cường đề xuất phải chuẩn bị mọi phương án, tình huống xấu nhất để không thể bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. “Tại Lào Cai, hoạt động xuất nhập khẩu bắt đầu chập chờn hơn. Nhiều DN TQ đã rút về nước. Do đó, cần sớm có biện pháp để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra”, ông Cường cảnh báo.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), trong tình hình hiện nay QH cần phải ra nghị quyết về nông nghiệp để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đặc biệt là ngư dân. “Tôi nghe báo cáo của Bộ GTVT là trong 3 năm gần đây đã tiết kiệm được 35.000 tỉ đồng, nên dùng khoản này đầu tư cho ngư dân đóng tàu. Ngành dầu khí cũng nên trích lợi nhuận, lợi tức để giúp ngư dân bám biển”, ông Ngân kiến nghị.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cũng đề nghị QH phải tính toán đến những tình huống xấu để cân đối ngân sách cho quốc phòng, tăng cường tiềm lực bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay. Trước hết là phải xem lại việc phân bổ ngân sách đối với các công trình dự án năm 2014, 2015. “Tôi thấy dự án nạo vét luồng sông Hậu mà chi tới trên 5.000 tỉ có cần thiết ngay không? Hay là cần thiết chuyển sang đóng tàu cho ngư dân thuê, thậm chí mượn tàu để cùng lực lượng của ta trấn giữ biển Đông”, ông Đương gợi mở.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch đề xuất cần tập trung đóng tàu cho ngư dân: “Bây giờ các cơ sở của Vinashin không có việc làm, tại sao không huy động vào để đóng các tàu sắt loại 400 - 500 mã lực, hình thành những đội tàu có bàn tay nhà nước?”. Tuy nhiên, theo ông Lịch: “Không nên đưa tiền cho ngư dân đóng tàu mà nhà nước đứng ra làm rồi cho ngư dân thuê lại với giá ưu đãi. Đây là cơ hội để giải quyết bài toán về ngư nghiệp”.

Tránh phụ thuộc thị trường TQ

Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, sự kiện ở biển Đông hiện nay “trong cái rủi tạo ra cái may”, đó là tạo cơ hội để VN nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu vật tư từ TQ, tiến tới gia nhập TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) mà qua đó nhà nước phải có chính sách giúp đỡ doanh nghiệp (DN) về nguồn nguyên liệu.

ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) cũng cho rằng tình hình biển Đông hiện đặt ra nhiều suy ngẫm về kinh tế - xã hội của VN. Một mặt, chúng ta bình tĩnh ứng phó nhưng cũng cần thấy nền tảng để bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cơ bản vẫn phải là “quốc lực”. “Nền kinh tế của VN rõ ràng đang đối diện nhiều thách thức xuất phát từ thị trường TQ. Trong thời gian dài, chúng ta có quan hệ kinh tế sâu rộng với TQ. Những diễn biến thời sự vừa qua buộc chúng ta phải suy ngẫm lại con đường phát triển của mình, ở cả tầm vĩ mô lẫn tầm DN, quyết tâm tái cơ cấu các loại thị trường. Lúc đầu có thể còn khó khăn, nhưng về lâu dài chúng ta có thể chủ động được khi có biến động”, ông Thông đề xuất và nhấn mạnh: “Sự lệ thuộc thị trường TQ đã cho chúng ta nhiều bài học đau đớn từ nông, lâm nghiệp hải sản đến công nghiệp... khi chúng ta luôn rơi vào tình trạng bị động, và họ là người điều khiển cuộc chơi”.

Cùng mối lo, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) bức xúc: "TQ mua rễ tiêu, móng bò, móng trâu… nhưng không thấy Chính phủ hay bộ ngành chức năng lên tiếng. Nhà nước cần có thời gian thích đáng để bàn chiến lược phát triển nông nghiệp chứ không thể để tồn tại mãi như vậy. Tôi cũng không hiểu, cứ để mãi tình trạng này mà không ai phải từ chức, chịu trách nhiệm?".

Thanh Niên

>> Công bố đường dây nóng hỗ trợ ngư dân
>> 75 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân Đà Nẵng
>> Hỗ trợ ngư dân bám biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.