NhưThanh Niên thông tin, khoảng 23 giờ 30 ngày 2.6, ông Nguyễn Đức Thịnh lái ô tô BS 98A-499.44 đến đoạn ngã tư Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương (P.Ngô Quyền, TP.Bắc Giang) thì xảy ra va chạm với xe máy BS 98B2-755.90 do ông Nguyễn Mạnh H. (48 tuổi, trú P.Thọ Xương, TP.Bắc Giang) điều khiển, chở theo vợ là bà Dương Thị Q. (44 tuổi) và con gái Nguyễn Thùy D. (13 tuổi). Cú tông mạnh khiến 3 nạn nhân bị hất lên cao rồi rơi xuống, tử vong tại chỗ.
Hiện trường vụ tai nạn ở Bắc Giang làm 3 người trong một gia đình tử vong |
CTV |
Công an TP.Bắc Giang xác định tài xế Thịnh vi phạm nồng độ cồn ở mức rất cao, lên tới 0,604 mg/lít khí thở. Để phục vụ công tác điều tra, Công an TP.Bắc Giang đã quyết định tạm giữ hình sự đối với ông Thịnh.
Cần quy định lái xe khi say rượu là phạm tội hình sự
Trước tình trạng hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe vi phạm nồng độ cồn, mới đây Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị cơ quan chức năng hướng dẫn phạt tù lái xe say rượu theo điều 260 bộ luật Hình sự.
Nói về mức phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, PGS-TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, ĐH Y tế công cộng, cho rằng mức phạt tiền của hành vi này đối với thu nhập của người VN là khá cao, nhưng so với quốc tế thì chúng ta vẫn cần phải có nhiều thay đổi để có tính răn đe hơn.
“Dù bộ luật Hình sự đã quy định các hành vi nguy hiểm như sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể”, ông Cường nói. Do đó, sau nhiều năm nghiên cứu về tai nạn giao thông, ông Cường đề xuất có thể phạt tù người có nồng độ cồn quá cao vẫn lái xe, dù chưa gây tai nạn giao thông nghiêm trọng; đồng thời các hướng dẫn liên quan truy tố hình sự hành vi này cũng cần được chi tiết hơn để áp dụng.
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ pháp luật cần chế tài mạnh hơn với hành vi lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng. “Lái xe sau khi uống rượu bia là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Nên sửa luật theo hướng trừng phạt nghiêm hơn như vừa bỏ tù, vừa phạt tiền. Đây là hành vi tiềm ẩn nhiều nguy hại cho xã hội”, BĐ Trúc Phương ý kiến.
Cùng quan điểm, BĐ Minh Hải viết: “Tai nạn giao thông gây ra sự mất mát vô cùng to lớn không thể bù đắp nổi đối với gia đình các nạn nhân. Vì vậy, tôi ủng hộ việc mạnh tay với hành vi uống rượu bia mà vẫn lái xe. Pháp luật cần quy định lái xe sau khi uống rượu bia là tội phạm hình sự và phải phạt tù”.
“Đề nghị sửa luật, xử phạt nặng hành vi uống rượu bia mà còn cố ý lái xe như tăng mức phạt tiền, phạt tù vài tháng dù chưa gây tai nạn, tịch thu phương tiện gây tai nạn, cấm lái xe từ 3 năm đến vĩnh viễn”, BĐ Trung Quang kiến nghị. Còn BĐ Thanh Lan đề xuất: “Nhà nước cần có biện pháp xử lý bằng hình sự tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà có nồng độ cồn. Phải làm nghiêm, làm thường xuyên, liên tục và không bỏ qua cho bất cứ trường hợp nào. Có như vậy, xã hội sẽ bớt những thảm cảnh như trên...”.
Nên áp dụng ngay và luôn
Không chỉ ủng hộ tăng chế tài với hành vi sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông, nhiều BĐ còn đề nghị các cơ quan chức năng sớm thông qua và áp dụng càng nhanh càng tốt.
“Tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông ở VN đáng báo động. Nếu chúng ta không mạnh tay thì sẽ còn nhiều người vô tội phải ra đi. Phải xem hành vi nguy hiểm này là tội ác. Phải quản lý hồ sơ vi phạm chặt chẽ để tăng chế tài nếu tái phạm”, BĐ Trần Phong viết. Tương tự, BĐ Nam Chau ý kiến: “Rất ủng hộ việc cần nhiều biện pháp mạnh hơn nữa, bởi dù mức phạt hiện nay với lái xe 4 bánh say xỉn là khá cao nhưng xem ra nhiều người chưa sợ, vẫn vi phạm. Cần quy định mức nồng độ cồn bao nhiêu thì phạt như hiện tại, vượt mức đó thì khởi tố hình sự để xử lý và cần được sớm thực hiện”.
“Mong các cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét, thực hiện khẩn trương đề nghị phạt tù người say rượu lái xe dù không gây tai nạn. Bởi họ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, nặng nề cho nhiều người khác”, BĐ Trịnh Cường ý kiến.
* Phải tăng mức phạt lên thật nặng. Tăng tiền phạt, thêm án tù và tăng thời hạn cấm lái xe.
Khanh Hoa
* Ở nhiều nước, người có nồng độ cồn cao còn lái xe là đi tù chứ đâu đơn giản đóng phạt hành chính. Cần đưa khung phạt lên cao nhất có thể, nồng độ cồn vượt chuẩn quy định thì tạm giam trước. Sau đó lên tòa án khu vực xử lý, y như nước ngoài họ làm. Đừng để tai nạn thương tâm xảy ra nữa!
C.Đ.M
Bình luận (0)