Căn phòng sau cánh cửa xanh - Truyện ngắn của Vũ Ngọc Giao

18/12/2022 08:30 GMT+7

“Vào đi!”, tiếng người đàn ông trầm đục cất lên sau cánh cửa.

Cô rón rén bước vào. Giữa căn phòng rộng được bài trí khá cầu kỳ và sang trọng, một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế tựa bọc nhung đỏ, đầu hơi cúi xuống vẻ mệt mỏi. Thoạt nhìn, dưới ánh sáng vàng ấm tỏa ra từ cây đèn trong góc, cô vẫn nhận thấy nơi đây vẻ lạnh lẽo, u buồn. Lúc đặt chân đến trước ngôi biệt thự, cô nhìn lên những ô cửa đóng im ỉm, rèm phủ kín bưng, đến gió cũng chẳng buồn lay động, những ô kính đã mờ đục vì bụi bám và tò vò làm tổ, đùn lên một vệt như mối. Quanh nhà cây cối bao phủ um tùm, mùi rêu dậy trên những mảng tường đá, hồ nước đen ngòm ở góc vườn rêu đã phủ xanh những hòn đá cuội, bức tượng đứng giữa hồ cũng bong tróc loang lổ. Nhìn qua, ngỡ như ngôi biệt thự bị bỏ hoang nếu không có tiếng nước róc rách chảy ra từ hồ cá trong vườn.

minh họa: tuấn anh

Tần ngần một lúc cô mới rụt rè bấm chuông, cánh cổng bật mở, một người đàn bà trung niên trong bộ đồ thun tuềnh toàng, có lẽ là người giúp việc, vồn vã mời cô vào nhà. Bà dắt cô đi qua một khu vườn rộng, giữa vườn bức tượng vị thần Cupid đứng im lìm với cánh cung đã gãy, cây cối trong vườn xác xơ như không được chăm sóc từ lâu lắm rồi. Đến bên cầu thang gỗ dẫn lên lầu, người đàn bà bảo cô: “Ông chủ ở tầng hai, cô đi hết hành lang đến phòng cuối cùng”. Nói rồi bà vội quay đi. Cô chậm rãi leo lên từng bậc cầu thang le lói chút ánh sáng từ ô kính bên trên, những bậc cầu thang gỗ đã mòn vẹt, gót giày cô dù cố nhón vẫn phát ra tiếng cồm cộp khuấy động cả không gian im ắng.

“Chào ông!”, cô lên tiếng. Người đàn ông ngẩng lên, đôi mày hơi cau lại hướng về phía cô cái nhìn vẻ nghi ngại. Cô đứng yên như phỗng, có chút hối hận vì đã đến nơi này, kinh nghiệm sau ba năm đi dạy đàn cho cô thấy, mỗi khi nhận dạy cho các cô cậu con nhà giàu, cô luôn phải chịu áp lực bởi sự đỏng đảnh, thiếu kiên trì của những người bạn nhỏ.

Người đàn ông sau một thoáng nghi ngại, đứng lên chầm chậm đi về phía cô, đôi chân run run như người mới ốm dậy. Lúc này cô mới nhận ra đó là một ông cụ chừng tám mươi, mớ tóc bạc rủ xuống trán, đôi môi hiền hậu mấp máy như định nói gì. Ông chỉ chiếc ghế đối diện mời cô ngồi, mấy ngón tay gầy khe khẽ miết lên bộ lông chú mèo đen nằm bên cạnh.

“Cô dạy đàn đã lâu chưa?”, ông cất giọng khàn khàn.

“Vâng, cũng được ba năm rồi”, cô lí nhí trả lời.

“Vậy tốt rồi, từ cuối tuần này cô có thể đến đây làm việc, nhưng cô không cần phải dạy đàn”, ông yên lặng nhìn cô vẻ thăm dò.

“Là sao, thưa ông?”.

“Nghĩa là, thay vì đến đây dạy đàn, cô chỉ việc ngồi ở cây đàn kia và đàn những bản nhạc có trong quyển tập”, ông đưa tay chỉ về phía cây đàn piano cũ kỹ kê sát tường.

“Cháu đàn cho ông nghe ạ?!”, cô hỏi, có chút hào hứng khi nhận ra ở ông cụ có điều gì khá thú vị.

“Không! Tôi cần cô đàn cho con gái tôi nghe”.

Có phần bất ngờ, cô yên lặng hồi lâu rồi dè dặt hỏi: “Vậy… chị ấy…”. Cô lúng túng chưa biết phải hỏi thế nào, ông cụ đã ngắt lời.

“Không, con gái tôi còn bé lắm, mới lên chín!”, ông nhìn cô, tia mắt ánh lên vẻ hóm hỉnh và ấm áp lạ thường. Thấy cô còn ngơ ngác chưa hiểu ông nói tiếp: “Cô cứ đến đây một tuần hai buổi tối như tôi đã đăng thông tin trên báo. Và đàn. Còn tiền lương, tôi sẽ trả cao gấp ba lần mức lương cô vẫn dạy”. Ông cụ nói, đầu lại gục xuống như lúc cô mới bước vào. Ngỡ ngàng vì những điều ông cụ vừa nói, cô yên lặng. Đâu đây tiếng chuông nhà thờ vọng lại, cô nhận ra, có một ngôi nhà thờ cổ kính và cũng khá lâu đời ở gần đây, tiếng chuông đổ từng hồi vang lên trong buổi chiều âm u, khiến cô thấy lành lạnh. Cô đứng lên xin phép ra về, hẹn tuần sau bắt đầu làm việc.

* * *

Người đàn bà đợi sẵn ở cửa, đưa cô đến căn phòng hôm trước. Cô nhanh nhẹn đẩy cửa bước vào, không còn thấy ngần ngại như lần đầu.

“Đến giờ cô làm việc rồi, tôi đi đây!”, người đàn bà nhìn cô, nụ cười nhẹ nhõm khác hẳn với vẻ cục mịch bên ngoài.

“Nhưng… ông cụ đi đâu rồi ạ?”, cô nhìn quanh căn phòng bật đèn sáng trưng.

“Sáng sớm nay ông ấy có việc phải đi rồi, cuối năm mới về”, người đàn bà giải thích rồi quay lại nói thêm: “Nếu ở nhà, ông ấy sẽ đàn cho con gái nghe”.

“Vậy, cô bé đâu rồi ạ?!”, cô đi về phía cây đàn, không để ý người đàn bà đã ra đến cửa.

“Cô thông cảm, ông chủ dặn cô hãy chơi những bản nhạc có trong quyển tập kia”, bà chỉ quyển tập đang ở trên kệ sách. “Và xin đừng hỏi gì về con gái ông ấy. Cô hãy đàn! Cô bé ở trong căn phòng kia sẽ nghe được”, người đàn bà chỉ căn phòng có cánh cửa màu xanh đang đóng im ỉm rồi vội vàng quay đi không cho cô kịp hỏi thêm gì.

Cô ngẩn người, đứng sững giữa gian phòng lộng lẫy. Sau ba năm nhận dạy đàn tại gia, đây là lần đầu cô gặp cảnh này, có chút gì bí ẩn và khó hiểu ở đây, nhưng với mức lương khá hậu hĩnh ông cụ đã cho người chuyển trước vào tài khoản khiến cô không có ý định thoái lui.

Cô lật tập nhạc, lướt qua từng cái tên: Lettre à Ma Mère, A Comme Amour, Fur Elise… toàn những bản cô yêu thích. Cô khẽ khàng chạm lên từng phím, những thanh âm bật ra trong vắt nghe như những giọt mưa thánh thót rơi trên những tán lá non… Cũng khá lâu rồi cô chỉ dạy đàn để mưu sinh, hôm nay, cô lại được người ta trả một mức lương cao ngất ngưởng, chỉ để chơi những bản nhạc cô yêu thích. Vậy có gì khiến cô băn khoăn, ngại ngần? Bất giác cô nhìn về phía căn phòng sau cánh cửa xanh, một mớ câu hỏi trong đầu bật ra, bên cánh cửa xanh là ô kính buông rèm phủ kín nên cô không thể nhìn thấy gì, chỉ đoán già đoán non, có lẽ cô bé ở trong căn phòng đó đau yếu hoặc mắc một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, mà chỉ tiếng đàn mới có thể xoa dịu được cô bé chăng? Ý nghĩ đó khiến cô thấy lòng xốn xang, dậy lên nỗi thương cảm khi nhớ đến gương mặt hiền hậu của ông cụ. Ông có được cô bé khi ở cái tuổi quá muộn màng, có lẽ phải có một ẩn khuất nào đó…

Cô ngồi vào đàn, bản Lettre à Ma Mère chầm chậm vang lên rồi tuôn như thác. Bản nhạc cô yêu thích từ ngày còn bé, đã lâu rồi mới dạo lại, cô đắm chìm cho đến khi chuông đồng hồ trên tường điểm 9 giờ đêm. Đứng lên đậy nắp đàn, cô nhìn về phía căn phòng có cánh cửa xanh, thầm thì: “Hết giờ rồi, chị phải về đây. Chúc em đêm an lành!”. Cô khép cửa đi ra, xuống đến sân vườn người đàn bà đã đợi sẵn, bà gật đầu chào cô rồi khép cổng.

Đều đặn như thế, mỗi tuần hai buổi cô đến ngôi biệt thự ấy và ngồi vào đàn. Người đàn bà cũng đã quen, bà mở cổng để cô tự lên căn phòng ấy. Điều lạ lùng, cô chơi đàn say sưa, chơi như thể chính mình đang tận hưởng những giai điệu tuyệt vời ấy, có lúc cô quên mất mình đang làm việc và được trả công, lần nào khi tiếng chuông đồng hồ trên tường điểm 9 giờ cô mới tiếc rẻ đứng lên.

Đêm nay, đôi tay cô lại múa trên những phím đàn, bản A Comme Amour ngân lên du dương, cô khép mắt mường tượng gương mặt cô bé sau cánh cửa kia đang lắng nghe và nhoẻn miệng cười, gương mặt xinh xắn và u buồn cúi xuống khi cô hỏi: “Em có thích tiếng đàn của chị không?”. Khi những thanh âm cuối cùng rơi xuống, cô dừng tay nhìn ra ngoài cửa sổ. Đêm trong vắt, những vì sao trên trời lóe lên rồi tắt lịm như chạy trốn, tiếng chuông nhà thờ lại đổ dồn. Nhìn đồng hồ hãy còn sớm, cô dạo ra ban công hít thở mùi hoàng lan từ mảnh vườn sau xộc vào.

Meo… chú mèo mun đen trũi từ đâu phóc đến dụi đầu vào chân cô vẻ thân thiện, thoắt cái chú đã phóng đi, chiếc nơ đỏ buộc ở cổ cùng tiếng chuông leng leng mất hút sau cánh cửa xanh. Lúc này cô mới nhận ra bức rèm sau ô cửa kính hé mở một khe rất nhỏ, có lẽ gió len vào khiến bức rèm lay động. Không nén nổi tò mò, cô lại gần dán mắt nhìn qua ô kính, mong được nhìn thấy cô bé một lần.

Bên trong căn phòng sáng đèn, quầng sáng mờ mờ soi xuống từ cây đèn ngủ trong góc. Cô nhìn thấy chiếc giường đơn bằng gỗ mộc được chạm trổ tinh xảo, gối chăn được xếp ngay ngắn trên tấm nệm trắng tinh. Đầu giường, bức chân dung đen trắng của một cô bé chừng chín tuổi. Cô lặng người, ngơ ngẩn ngắm gương mặt đẹp như tranh. Tiếng chuông đồng hồ bỗng điểm 9 giờ đêm, cô vội vã lui ra, không quên nhìn bao quát căn phòng. Trong góc, một chiếc tủ gỗ được chạm trổ công phu, trên đó bày biện nhiều búp bê và đồ chơi xinh xẻo, tất cả đều được bài trí gọn gàng và đẹp đẽ nhưng tuyệt nhiên không một bóng người.

Ngoài ban công có tiếng chân người đi lại, cô xuống đến cầu thang đã thấy bà giúp việc đứng đó như đã đợi. Bà nhìn cô với ánh mắt có chút nghi ngại. “Nay cô về muộn vậy, hơn 9 giờ rồi?”. “Vâng!”. “Tôi nghe tiếng đàn dừng từ lúc nãy nên đi lên mang cho cô ít trái cây”. Cô cảm ơn bà rồi vội vàng trở về.

Về đến phòng trọ cô nằm vật ra. Rốt cuộc là ngôi biệt thự đó ai đang ở? Ngoài người đàn ông cô đã gặp một lần, còn lại chỉ có bà giúp việc trông coi nhà cửa. Có điều gì bí ẩn trong căn phòng phía sau cánh cửa xanh kia? Nếu cô bé bị ốm phải nằm liệt giường hay mắc một căn bệnh bẩm sinh nào đó, thì căn phòng cũng phải có bóng dáng cô bé. Đằng này tuyệt nhiên không… Hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu khiến cô quay cuồng.

Đêm thứ bảy. Cô thoáng rùng mình khi nghĩ đến căn phòng không người sau cánh cửa xanh. Cô quyết định ở nhà, đợi ông cụ trở về và xin phép thôi công việc đó, có chút áy náy nhưng cô vội xua đi: Mình đàn cũng có ai nghe đâu, chẳng hề có một cô bé nào trong căn phòng kia cả, hơn nửa năm rồi, không có bóng dáng ai ngoài bà giúp việc hồn hậu kia. Cô nằm đọc sách nhưng không sao tập trung được, những con chữ cứ nhảy múa trước mắt cô, chúng xô đẩy nhau thành một hàng dài rồi bất thình lình xếp thành hình gương mặt cô bé trong bức chân dung, vẫn gương mặt nhìn nghiêng nhưng ánh mắt buồn rầu như trách móc: “Sao đêm nay chị không đến đàn cho em nghe nữa?!”. Cô bật dậy thay quần áo, vội vàng lao đến ngôi biệt thự, bên cánh cổng người đàn bà đã đợi, nhìn thấy cô bà mừng rỡ: “Tưởng cô không đến, tôi lo quá!”.

Cô lao lên cầu thang, đến căn phòng cô đẩy cửa bước vào rồi ngồi xuống mở nắp đàn. Đêm nay bản Lettre à Ma Mère lại ngân lên da diết. Cô khép mắt, cảm thấy như sau cánh cửa xanh cô bé đang cười. Bản nhạc vừa dứt, cô tiếp nối bản khác, những ngón tay như tê dại. Cô quay cuồng trong tiếng đàn của mình cho đến khi chuông đồng hồ điểm 9 giờ. Cô xuống dưới nhà xin phép bà giúp việc cho nán lại một lúc nữa. Cô lại ngồi vào đàn chơi hết những bản sau cùng rồi đứng lên dạo quanh phòng. Trên giá sách, những tập nhạc xếp la liệt, cô loay hoay chọn một quyển khác để thay cho quyển cũ đã đàn nhiều lần. Cô rút tập nhạc bìa đỏ nằm trong cùng, theo sau một quyển sổ màu xanh rơi ra, cô cầm lên đặt nó lại vào giá sách. Quyển sổ được đóng bìa và bao bọc cẩn thận, bên trong vài tấm ảnh chực rơi ra. Linh cảm, cô không vội cất vào, mà giở ra. Trang đầu, tấm hình đen trắng của cô bé, cô nhận ra đó chính là tấm hình trong căn phòng kia, bên dưới ghi dòng chữ Viết cho Tố Như của ba! Có gì đó như nỗi tò mò thôi thúc, cô vội vàng lật những trang sau:

Ngày… tháng… năm…

Hôm nay là một ngày tồi tệ nhất đời của ba. Bác sĩ chính thức báo tin cho ba rằng, bệnh của con ngày càng xấu đi. Ba và các y bác sĩ đã làm hết cách nhưng… Con gái à! Ba không dám nghĩ đến điều đó nữa, nó thật sự ám ảnh với ba. Mẹ con đã ra đi vì căn bệnh ác nghiệt này, sao nay ông Trời lại đành đoạn tước nốt của ba niềm hạnh phúc sau cùng?!...

Cô nghe bàn tay mình run lên, nhưng vẫn bình tĩnh lật thêm vài trang nữa.

Ngày… tháng… năm…

Hôm nay con đã ngồi dậy và ăn được một ít cháo, ăn xong con lại nằng nặc xin được chơi đàn. Vẫn là bản nhạc con yêu thích: Lettre à Ma Mère. Ba ngồi nghe mà xúc động vô biên…

Ngày… tháng… năm…

Hai ngày nay con không thể ngồi dậy được, dì Năm phải đút con từng thìa sữa. Thương con. Con cố ăn mà mắt cứ nhìn về phía ba như chờ đợi, ba hiểu ý lại gần, nghe con thầm thì: Con không thể chơi đàn được nữa, nhưng con muốn được nghe ba đàn, con yêu tiếng đàn của ba và yêu cây đàn ấy, vì nó là kỷ vật của mẹ…

Ngày… tháng… năm…

Tố Như à! Ba không tin đó là sự thật… Không đời nào ba tin đó là sự thật!...

Quyển nhật ký rung lên trong tay cô, khó khăn lắm cô mới đặt được nó vào vị trí cũ. Cô ôm mặt lặng đi. Trên tường, chuông đồng hồ điểm 10 giờ đêm. Nơi kia, tiếng chuông nhà thờ cũng vọng lại đổ dồn. Ngoài cửa sổ gió lùa vào từng cơn lạnh buốt. Cô với tay khép cửa, đến bên cây đàn, đầu gục xuống, những ngón tay khẽ chạm vào bàn phím. Yêu thương. Lạnh buốt. Ngỡ như lần đầu cô đặt chân đến nơi này. Ngẩng lên, cô nghe tim se thắt khi mắt chợt chạm vào cánh cửa màu xanh…

Cô ngồi vào đàn, trong vô thức, những ngón tay lại lướt lên giai điệu của Lettre à Ma Mère. Tiếng đàn như từ cõi xa xưa vọng về trong tiếng đêm, nức nở…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.