Những khó khăn của chính sách
Theo báo cáo của CP, lạm phát cao bị tác động rất nhiều chiều: từ kinh tế thế giới và nội tình trong nước.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) dẫn chứng lãi suất ngân hàng quá cao khiến doanh nghiệp (DN), nhất là các DN vừa và nhỏ cùng người dân không tiếp cận được nguồn vốn và nếu có thì “cũng không có tiền để trả vì lãi suất quá cao”.
Bổ sung ý kiến trên, ĐB Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nêu thực tế: Ít ngân hàng hiện nay thích cho vay trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. “CP có chủ trương ưu tiên lĩnh vực đánh bắt xa bờ nhưng chính sách tiền tệ lại chưa đến với những thành phần này, việc kiểm soát cho vay nông ngư nghiệp chưa được kiểm tra chặt chẽ” - ĐB Lộc nhận xét.
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) lo lắng khi dẫn chứng, GDP tăng 5,57% trong khi chỉ số lạm phát đã tăng 16,3% so với cùng kỳ 2010, chỉ số giá vàng tăng 38% và USD tăng hơn 10%. Theo ĐB Sinh, giá cả leo thang gây khó khăn cho đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, 6 tháng đầu năm 2011 thu ngân sách cao nhưng chất lượng cuộc sống của người dân đi xuống, đồng tiền bị mất giá.
|
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đặt thẳng vấn đề: “Theo báo cáo của CP, tác nhân chính trong nước gây lạm phát cao là do gói kích cầu. Nguyên nhân này có chính xác không?”. ĐB Đáng chỉ rõ do “những khiếm khuyết của nền kinh tế, mô hình và cách điều hành của chúng ta còn yếu kém”.
Theo ĐB Đáng, một trong những tác nhân khiến nền kinh tế khó khăn là tình trạng nhập siêu quá cao hiện nay. “Từ năm 2000, trong 10 năm chúng ta nhập siêu 81 tỉ USD, riêng năm 2010 nhập siêu 12 tỉ USD, có cảnh báo nhưng nhập siêu vẫn cứ… nhập siêu. Vậy nhập siêu kéo dài nhiều năm qua chỉ có do quản lý yếu kém” - ông Đáng kết luận.
Cần quyết liệt giải quyết
ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nhấn mạnh: “Nếu CP không chỉ đạo quyết liệt thì trong 4 tháng cuối năm sẽ rất khó đạt những mục tiêu đề ra về tăng trưởng và giảm lạm phát. CP cần tiếp tục thực hiện kiềm chế lạm phát và thực hiện an sinh xã hội, phải coi đây là vấn đề hàng đầu sắp tới”.
Để giải bài toán này, theo ĐB Cao Sỹ Kiêm, CP cần cụ thể hóa nhanh hơn nữa những chính sách đã có, những vấn đề về điều chỉnh giá theo cung cầu của thị trường cần linh hoạt hơn nữa. Hệ thống các giải pháp có hiệu quả để giải quyết những mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa những chính sách.
|
“Cử tri cả nước rất tin tưởng và kỳ vọng vào ba giải pháp đột phá của Thủ tướng nhưng những vấn đề đó phải triển khai nhanh và có hệ thống. Thủ tướng và các tân Bộ trưởng nên cụ thể hóa lời hứa của mình bằng những lộ trình dài hạn, ưu tiên giải quyết những vấn đề khó khăn hiện nay” - ĐB Cao Sỹ Kiêm bày tỏ.
Ngoài ra, để kiểm soát giá cả, ĐB Kiêm mong muốn CP và các đơn vị liên quan cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa những thị trường tự do để tránh tình trạng "té nước theo mưa".
Trong khi đó, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị bên cạnh các nhóm giải pháp được CP cam kết thực hiện thì cần phải có thêm những giải pháp nhằm hỗ trợ phát triển kinh doanh vì điều đó thúc đẩy vấn đề tăng trưởng.
Góp phần tạo an sinh xã hội, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) mong muốn CP cần quan tâm nhiều hơn đến người lao động nói chung và người lao động ở các khu công nghiệp nói riêng. “Các cấp có thẩm quyền phải buộc các DN thực hiện đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chứ đừng để tình trạng như các nạn nhân vụ cháy ở Hải Phòng vừa qua khi vào viện không có mảnh giấy bảo hiểm” - ĐB Hồng bức xúc.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận xét rằng chính sách tiền lương hiện nay luôn đến chậm so với điệp khúc tăng giá. Do vậy, ĐB Bé cho rằng CP cần có giải pháp sớm ổn định giá, chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra các chính sách hỗ trợ người nghèo.
Thành Trung
Bình luận (0)