Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
|
Nhiều đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm tới con số 30% cán bộ, công chức không làm được việc mà Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập trong cuộc họp tổng kết ngành nội vụ năm vừa qua.
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), ĐB Danh Út (Kiên Giang) đều hỏi: Con số này thực hư ra sao… Tại sao để kéo dài như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu và làm gì để giải quyết? Bộ trưởng Bình lý giải thực ra không phải đây là ý kiến của phó thủ tướng mà có dư luận cho rằng như vậy, nên phó thủ tướng cũng chỉ đặt vấn đề như thế. Dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Đứng về quản lý nhà nước về ngành nội vụ thì cũng có trách nhiệm của Bộ Nội vụ, của Bộ trưởng Bộ Nội vụ”.
Chưa đồng tình với câu trả lời trên, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) truy tiếp: “Theo Bộ trưởng, không phải 30% thì là bao nhiêu?”. Ông Hà tính toán: Nếu 30% thì là 700.000 cán bộ, công chức không làm được việc và số chi một năm là 17.000 tỉ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình trả lời: “Giờ nói con số là bao nhiêu thì không có cơ sở, nhưng có giải pháp tương đối toàn diện, tổng hợp như chúng tôi trình bày ở phần trên, đến thời điểm nhất định, có thể tạo được tiếng nói chung về tỷ lệ này”.
Bổ nhiệm vì tình hơn vì lý
|
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) hỏi rõ: Có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác tổ chức cán bộ không? Nếu có thì ở mức độ nào? Liệu có thuốc nào chữa được không? Chữa như thế nào? Bao giờ bệnh sẽ khỏi?
Ông Nguyễn Thái Bình đáp: “Cá nhân tôi và Bộ Nội vụ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này”. Tuy nhiên, không trả lời thẳng vào câu hỏi này, ông dẫn Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đánh giá thực trạng về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “có tham nhũng, có tiêu cực”.
Theo ông Bình, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị ban hành chỉ thị về phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức cán bộ, khen thưởng. “Chúng tôi hy vọng nếu chỉ thị này được ban hành, chúng tôi sẽ cụ thể hóa để sớm đưa vào cuộc sống, góp phần cùng với hệ thống chính trị xử lý, giải quyết các trường hợp mà đồng chí Chu Sơn Hà và ĐB Quốc hội (QH) có quan tâm” - ông Bình nói.
ĐB Chu Sơn Hà chưa thỏa mãn với câu hỏi này và đề nghị trả lời rõ có hay không có việc chạy chức, chạy quyền và tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ. Bộ trưởng cho rằng “đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị” và lại dẫn Nghị quyết Trung ương 4 của khóa XI đánh giá: Cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục.
ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) hỏi: Có hay không việc bổ nhiệm cán bộ đôi khi theo tình nhiều hơn là theo lý, chẳng hạn biết ông Dương Chí Dũng làm không tốt, thậm chí còn vi phạm ở Vinalines lại đưa về làm Cục trưởng Cục Hàng hải? Một số cán bộ làm không tốt ở một đơn vị này được chuyển sang làm ở cơ quan khác, ở vị trí thuận lợi hơn?
|
“Tư lệnh” ngành nội vụ tiếp tục dẫn Nghị quyết Trung ương 4 để trả lời, theo đó “một số trường hợp bố trí, đánh giá cán bộ chưa thực sự công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng với sở trường, năng lực”.
Ông nêu quan điểm: “Nếu bố trí cán bộ kết hợp giữa “tình” chân chính, trong trắng với lý thì cần khuyến khích. Còn “tình” mà mang tính chất vây cánh, ê kíp, bè phái thì cần cực lực phản đối. Cần có biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra để giải quyết nếu chúng ta phát hiện” - ông Bình kết luận.
ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) chất vấn: “Con thường dân khó được tuyển dụng vì phải có tiền mới chạy được việc làm... Bộ trưởng có biết vấn đề này không?”. Ông Nguyễn Thái Bình trả lời một cách chia sẻ: “Tôi đi nhiều địa phương và cũng có dư luận”…
“Hội chứng lực lượng mỏng”
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng hiện có hội chứng “lực lượng mỏng”: phá rừng tràn lan do kiểm lâm mỏng; buôn lậu cũng do lực lượng quản lý thị trường mỏng; khám chữa bệnh không phép, xây dựng trái phép… cũng là do lực lượng chức năng mỏng. Có đúng là mỏng không? Các địa phương, bộ ngành cho rằng Bộ Nội vụ không cho tăng biên chế nên gây khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình? Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình hứa hẹn sẽ gửi câu trả lời bằng văn bản về số lượng công chức viên chức thừa thiếu trước khi kết thúc kỳ họp này.
|
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đặt vấn đề nhức nhối hiện nay: người dân kêu ca nhiều về chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền. Hầu như người dân nào đến cơ quan công quyền từ xã đến trung ương đều thấy không hài lòng, biên chế thì tăng nhưng chất lượng giảm xuống.
Câu hỏi này chưa được Bộ trưởng Nội vụ trả lời nhưng đã được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng rất quan tâm trong phần kết luận phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: “Chúng ta cảm nhận được rằng, tại phiên chất vấn này, nhiều ĐB và kể cả Bộ trưởng cũng chưa bằng lòng với đánh giá về tình hình hiện nay đối với công tác tổ chức, cán bộ; chất lượng của bộ máy, chất lượng cán bộ. Các đánh giá vẫn chưa được nhất trí cao và vẫn phải tiếp tục rà soát thêm, đánh giá thêm. Đồng bào cử tri cả nước chắc cũng có tâm trạng chưa bằng lòng đó”.
Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng phải rà lại toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy của chúng ta, chỗ nào dày, chỗ nào mỏng, nơi thừa nơi thiếu, chỗ nào bất hợp lý… Trách nhiệm của Bộ trưởng là người tham mưu tổng hợp, “cầm sổ” về biên chế, giữ chức năng về quản lý cán bộ thì cần phối hợp với các cấp, các ngành để có đánh giá thật đầy đủ, minh bạch về chất lượng đội ngũ, nhất là đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta.
Người đứng đầu QH nêu yêu cầu giữa năm 2014 phải ban hành được tiêu chuẩn cán bộ, gắn chức danh với vị trí công tác và gắn với tiêu chuẩn cán bộ. Phải có tiêu chuẩn đó thì mới có cơ sở để có thể tuyển dụng, bổ nhiệm đúng.
Tăng giá cước 3G, một phần để bù đắp… OTT
Trước tình trạng “nhà mạng” tăng giá cước 3G nhưng chất lượng dịch vụ thấp, không tương xứng, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) hỏi Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông (TT - TT) Nguyễn Bắc Son (ảnh): “Dư luận bất bình khi các nhà mạng lớn bắt tay tăng giá cước 3G với lý do tránh lỗ có hợp lý không?”. Theo Bộ trưởng Son, việc tăng giá cước 3G là “phù hợp với thông lệ quốc tế, luật Giá”. Ngoài ra, việc tăng giá cước chủ yếu tập trung vào gói truyền dữ liệu và hướng tới người thu nhập cao, dùng điện thoại thông minh. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Hải hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm, tăng giá cước 3G có phải để bù đắp giảm doanh thu do các mạng OTT (dịch vụ nhắn tin, gửi hình ảnh, gọi điện miễn phí - PV) phát triển? Bản thân tôi cũng dùng 3G, nhưng nhận thấy việc tăng giá cước 3G với chất lượng không song hành, thậm chí có phần giảm sút”. Bộ trưởng Son thừa nhận: “Có một phần bù đắp cho OTT, nhưng không phải vì nó mà tăng 3G”. Về chất lượng 3G, Bộ trưởng cũng thừa nhận: “Đúng là chất lượng chưa cao, vì khi đầu tư 3G chỉ có 2 tỉ USD. Do đó, tăng giá cước cũng để có điều kiện nâng chất lượng”. Tràn lan sim rác, trách nhiệm của ai ? ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về tin nhắn rác, sim rác: “Nhiều cử tri cho rằng, hiện nay chúng ta không quản lý được dịch vụ thuê bao trả trước, sim bán tràn lan, người tiêu dùng đón nhận tin nhắn rác, tin khủng bố, tin lừa đảo… Trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu?”. Bộ trưởng Son chỉ ra 3 nguồn tin nhắn rác: Internet, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số lợi dụng để nhắn tin quảng cáo; các sim rác không đăng ký thông tin cá nhân. Giải pháp quản lý, Bộ trưởng đáp: “Chúng tôi đã yêu cầu các nhà mạng ngăn chặn từ internet. Còn các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số phải có chế tài, cấm không được nhắn tin quảng cáo đến người sử dụng”. Riêng về sim rác, ông cũng thừa nhận, hiện nay ngoài quảng cáo, còn bị tội phạm lợi dụng để tống tiền, vi phạm pháp luật. “Thời gian qua, Bộ đã ban hành các thông tư, đã thanh tra tổng lực chấn chỉnh hoạt động”, ông nói. Anh Vũ |
Tuệ Nguyễn
>> Hôm nay, Quốc hội bắt đầu chất vấn các bộ trưởng
>> Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn
>> Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp và Tài nguyên - Môi trường
>> Chất vấn những vấn đề bức xúc
Bình luận (0)