Ông Lê Trí Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đức Lợi có 3 nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở tỉnh Bình Dương, cho biết mấy tháng qua phải “cắn răng” từ chối nhiều đơn đặt hàng của nước ngoài. Theo ông Thắng, nếu làm liều nhận đơn đặt hàng, thế nào doanh nghiệp cũng “sa lầy”. “Doanh nghiệp đang bị áp lực nhiều phía. Khách hàng liên tục đòi giảm giá, trong nước thì lãi suất không hạ nhiệt. Vay ngân hàng để sản xuất cho các đơn hàng gần đây khó đảm bảo được an toàn bởi lãi suất quá cao. Mà không vay thì làm sao sản xuất?”, ông Thắng đặt câu hỏi.
|
Thế nên, giải pháp của nhiều doanh nghiệp là giảm công suất hoạt động. Ông Thắng thừa nhận, Đức Lợi giờ còn cầm chừng hoạt động 70% công suất so với trước. Đối với nhân công, không sa thải nhưng không thu nhận nhân sự mới vào. “Bình thường các năm, khi có vài nhân công xin nghỉ, công ty ngay lập tức tuyển mới. Nhưng bây giờ, chỉ có ra mà không vào”, ông Thắng cho hay. Hiện tại, nhân công của Đức Lợi giảm từ hơn 1.000 người xuống còn khoảng 800. “Doanh nghiệp phải còng lưng đối mặt với các khoản chi phí hằng tháng, thậm chí bán đi một số tài sản đã tích lũy như nhà xưởng, đất đai… để trả lương cho công nhân. Trước đây mở rộng ra, giờ phải thu hẹp lại. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất là khách hàng nước ngoài mà công ty tốn công gầy dựng bao nhiêu năm giờ bỏ đi nước khác tìm kiếm đơn hàng, do doanh nghiệp trong nước không thể đáp ứng”, ông Thắng bày tỏ.
Doanh nghiệp đang bị áp lực nhiều phía. Khách hàng liên tục đòi giảm giá, trong nước thì lãi suất không hạ nhiệt |
||
Ông Lê Trí Thắng, TGĐ Công ty TNHH Đức Lợi | ||
“Các ngân hàng thân thuộc đã đưa ra nhiều chính sách để chào mời chúng tôi vay vốn. Nhưng tôi trả lời, bây giờ công ty tôi toàn cho ngân hàng vay”, ông Hiển dí dỏm. Ông thừa nhận việc đem tiền cho vay kiếm lãi cũng không phải là phương án tối ưu. Về lâu dài, điều này sẽ khiến doanh nghiệp hụt hẫng khi kinh tế hồi phục. “Đáng lý ra việc đầu tư đã bắt đầu từ đầu năm, nhưng dưới tác động của nhiều vấn đề về tài chính, doanh nghiệp phải hoãn lại chờ năm sau. Như vậy, các kế hoạch đã trễ mất 1 năm và dễ dàng trở nên lạc hậu, buộc phải thay đổi phương án khác. Cùng với những tổn thất tài chính do thu hẹp hoạt động là mất mát không thể đo đếm được, đó là mất khách hàng”, ông Hiển lo lắng.
Theo ông Võ Quốc Thắng - Tổng giám đốc Đồng Tâm Group, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - việc cho rằng đây là thời điểm để sàng lọc doanh nghiệp, những công ty nào không đủ sức cầm cự sẽ phải tự đào thải, là không thuyết phục. Bởi doanh nghiệp dù thế nào đi nữa cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động. Còn theo ước đoán của ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản trong 6 tháng qua trước những áp lực tài chính. “Trong khi đó, chủ trương vẫn thắt chặt tín dụng khiến doanh nghiệp hoang mang. Như vậy tình hình sẽ còn bi đát hơn. Khi đó, nền kinh tế sẽ khó khăn hơn, và nguy cơ giảm phát đang hiển hiện trước mắt”, ông Minh băn khoăn.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)