Điều này thể hiện rất rõ trong số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê 5 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước thực hiện 73,3 nghìn tỉ đồng, bằng 39% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2010. Có thể thấy số liệu tại nhiều tỉnh, thành, ĐTC vẫn tăng rất mạnh với mức tăng trên 30%, 40%; vẫn có những địa phương tiếp tục xin ứng vốn của năm sau? Lại có tình trạng, một số địa phương nhanh chóng giải ngân nguồn vốn đầu tư ngay khi thực hiện giải pháp cắt giảm ĐTC coi như một "sự đã rồi". Còn nhớ hồi tháng 4, khi CPI tăng quá mạnh, dư luận đã đặt câu hỏi về hiệu quả của việc cắt giảm ĐTC. Khi đó, một số người có thẩm quyền đã trấn an rằng, cắt giảm ĐTC phải có độ trễ dài hơn so với chính sách tiền tệ. Nhưng đã hết 5 tháng và chuẩn bị hết quý 2, ĐTC không những không giảm mà vẫn tăng, thậm chí có nơi tăng quá mạnh như nói trên khiến lo ngại về việc kiểm soát lạm phát lại dấy lên. Bởi chúng ta đều hiểu, cắt giảm ĐTC là biện pháp thu hẹp tổng cầu nhanh chóng nhất, giảm sức ép lạm phát hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, nếu giải pháp này không được thực hiện hiệu quả, khó nói đến việc kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm.
Con số cắt giảm ĐTC theo công bố đã xấp xỉ 80.000 tỉ đồng tính đến cuối tháng 4 nhưng thống kê lại cho thấy, ĐTC vẫn tăng. Có gì mâu thuẫn trong những con số trên? Cắt giảm ĐTC hiện "vướng" ở khâu nào, chỗ nào, lý do vì sao... Để trả lời các câu hỏi này, điều đầu tiên phải công khai các danh mục cần cắt giảm của từng địa phương; công khai các dự án đã cắt giảm, địa chỉ cụ thể, con số cụ thể chứ không thể đơn thuần đưa ra một con số chung chung như hiện nay. Nếu không minh bạch việc cắt giảm ĐTC thì việc quyết liệt thực hiện như chúng ta vẫn nói, xét cho cùng cũng chỉ là trên giấy mà thôi.
Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay đã được điều chỉnh lên 15%, tăng gấp đôi so với kế hoạch hồi đầu năm nhưng nỗi lo đạt chỉ tiêu này vẫn canh cánh; hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang cố gắng cầm cự chờ đợi các giải pháp kiểm soát của Chính phủ có tác dụng để giảm lãi suất; gánh nặng giá cả vẫn đang đè nặng lên cuộc sống hằng ngày của người dân... Tất cả những vấn đề này đang phụ thuộc, đang chờ được giải quyết từ việc cắt giảm ĐTC. Vì vậy, rất cần sự quyết liệt bằng hành động cụ thể, con số cụ thể và hiệu quả cụ thể.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)