Cần sửa cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị

25/08/2013 20:05 GMT+7

(TNO) Trong 2 ngày 24 - 25.8, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo các quận, huyện… về đề án chính quyền đô thị.

(TNO) Trong 2 ngày 24 - 25.8, Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, lãnh đạo các quận, huyện… về đề án chính quyền đô thị. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị.

>> Đề án chính quyền đô thị “đụng” hơn 100 văn bản luật
>> Chính quyền đô thị cần con người tốt
>> Nhân sự nào cho chính quyền đô thị ?
>> Đề án chính quyền đô thị TP.HCM: Dịch vụ công chưa rõ ràng
>> TP.HCM lên đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Thời điểm đã chín muồi

Nhiều đại biểu cho rằng cơ sở thực tiễn để thay đổi mô hình tổ chức bộ máy chính quyền là cần đánh giá những hạn chế của mô hình hiện nay, đồng thời nêu bật được những ưu điểm của mô hình mới. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi nhằm tránh tình trạng “nhập rồi tách, tách rồi lại nhập” như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Một nội dung rất quan trọng được các đại biểu đề cập, đó là mô hình mới vướng nhiều luật và chưa được hiến định trong Hiến pháp.

Cần sửa cơ chế để thực hiện chính quyền đô thị
 PGS-TS Đặng Văn Phan, Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM, góp ý tại hội nghị

Khẳng định nội dung đề án sẽ tạo ra sự đột phá lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, nhiều đại biểu đề xuất cần sớm sửa những quy định, cơ chế hiện hành để thí điểm thực hiện chính quyền đô thị.

Cho rằng việc xây dựng chính quyền đô thị hiện nay là đúng thời điểm và đã chín muồi, PGS-TS Đặng Văn Phan, Chủ tịch Hội Địa lý TP.HCM, nói: “Tôi vô cùng sung sướng khi biết Trung ương đã có quyết định cho nghiên cứu và thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM và Đà Nẵng. Như vậy, đất nước ta đã tiến thêm một bước rất quan trọng về đổi mới tư duy và hội nhập quốc tế. Đây là một bước tiến mới trong quá trình đô thị hóa của đất nước”.

Theo PGS-TS Đặng Văn Phan, chính bộ máy quản lý cồng kềnh, không hiệu quả đã tạo môi trường cho tham nhũng phát sinh. Ông đề nghị: “Việc xây dựng chính quyền đô thị phải phối hợp, đi kèm với cải cách hành chính. Mô hình chính quyền đô thị không chỉ chăm chăm vào việc xây dựng UBND mà còn các cơ quan chức năng tham mưu là các sở ban ngành”.

“Có một suy nghĩ là tại sao ở các nước phương Tây, dù cả năm không có chính phủ hay các đảng thay nhau cầm quyền đất nước, song các thành phố của họ vẫn hoạt động bình thường. Rõ ràng, chính quyền đô thị của họ đã được quy định rõ trong Hiến pháp và dù dưới bất cứ sự lãnh đạo nào cũng phải tuân theo, luôn bền vững”, PGS-TS Đặng Văn Phan nói thêm.

Cũng theo PGS-TS Đặng Văn Phan, ở nước ta, Hiến pháp vẫn chưa thông qua được có mấy phương thức tổ chức chính quyền địa phương, thậm chí đến nay chưa có một sự tổng kết công phu nào về việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường để làm căn cứ cho việc đưa ra phương án mô hình tổ chức chính quyền địa phương. 

Các quận, huyện tán thành đề án

Nếu đề án được triển khai thì cấp chính quyền quận, huyện, xã, phường sẽ có nhiều sự thay đổi vì phải sắp xếp lại bộ máy tổ chức, song ý kiến của lãnh đạo các quận huyện đều tán thành nội dung đề án.

Cho rằng đề án đã lý giải được vấn đề ở cở sở, ông Phạm Công Nghĩa, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q.Phú Nhuận, nói: “Là người thực hiện vai trò nhất thể hóa (Bí thư kiêm Chủ tịch - PV) tại địa phương, tôi hoàn toàn ủng hộ thành phố thí điểm chính quyền đô thị. Thực tiễn hiện nay thành phố đã quá tải khi bị quá nhiều gò bó như những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, thủ tục hành chính, cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo… Do vậy, cần phải tạo ra sự thay đổi để công tác quản lý đạt hiệu quả cao hơn, phục vụ dân tốt hơn”.

Ông Trần Ngọc Hổ, Chủ tịch UBND Q.12 cũng bày tỏ sự đồng tình. Ông nói: “Tổ chức cơ chế vận hành chính quyền thành phố nếu giữ như hiện nay thì không thể phát huy nội lực, điều kiện, khả năng của thành phố. Vì vậy nên nghiên cứu điều chỉnh thay đổi mô hình để thành phố phát triển tốt hơn, phục vụ cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước”.

Phát triển mạnh hơn, TP.HCM đóng góp ngân sách nhiều hơn

Nhiều đại biểu cho rằng thực tế trong những năm qua, TP.HCM đóng góp đến khoảng 1/3 GDP của cả nước. Tiềm lực phát triển của TP.HCM vẫn còn nhiều nhưng chưa bức phá mạnh mẽ được là do vướng nhiều cơ chế, chính sách. Mô hình mới (chính quyền đô thị - PV) hướng đến tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để TP.HCM tăng tốc. Theo đó, khi có điều kiện phát triển mạnh hơn, TP.HCM sẽ đóng góp ngân sách nhiều hơn cho cả nước.

Ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM cho rằng thực tiễn chứng minh TP.HCM không thể "an phận" mà phải luôn tìm cách vượt qua những bất cập, vươn lên để phát triển, thể hiện vai trò đầu tàu trong phát triển và đóng góp chung cho cả nước.

“Thành phố vẫn bị gò bó về cơ chế. Vì vậy phải có một mô hình hợp lý. Nếu thành phố không xây dựng chính quyền đô thị thì sẽ mất cơ hội để phát triển và cả cho sự bền vững của đất nước”, ông Thuận nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM Nguyễn Văn Chương cho rằng: “Việc TP.HCM xây dựng chính quyền đô thị là có cơ sở thực tiễn và khả năng thực hiện sẽ đạt hiệu quả”.

Theo ông Chương, nếu cứ giữ mãi hình thức quản lý cũ mà chưa hiệu quả thì cần có sự thay đổi để thực hiện tốt hơn. Mong muốn của người dân là có chính quyền quản lý hiệu quả và người dân tin tưởng điều đó.

Bài, ảnh: Đình Phú

>> TP.HCM gia hạn tiến độ 15 đồ án quy hoạch
>> TP.HCM không thể quản lý kiểu 'hạch toán báo sổ
>> TP.HCM đồng loạt ngầm hóa lưới điện
>> TP.HCM: Ngầm hóa 38 tuyến cáp viễn thông
>> TP.HCM có 18 điểm ngập thường xuyên
>> Dân TP.HCM than phiền vì ô nhiễm môi trường
>> TP.HCM sẽ thành siêu đô thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.