Đủ cơ sở xem xét
Ông Mai Thanh Tòng - Phó chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam, lo lắng đến năm 2012 đưa Luật Thuế TNCN ra sửa thì đến năm 2013 mới thực thi. Trong khi xét trên góc độ giá cả hàng hóa tăng cao, lạm phát tăng sẽ thấy ngay sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế TNCN trong năm 2011. Trong 10 năm (từ 2001 đến 4 tháng đầu năm 2011), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 92,71%. Từ năm 2001 đến 2006, CPI tăng dưới 2 con số nhưng từ 2007 đến nay thì CPI vượt lên 2 con số (trừ năm 2009, CPI ở mức 6,52%). Năm 2007 đến nay CPI tăng khá nhanh 60,41%. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2011, CPI đã tăng 9,64% cũng đã gây nên gánh nặng cho người nộp thuế.
|
Không có lý do gì để đợi
Ông Võ Thanh Hùng, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Tâm Điểm, cho rằng Luật Thuế TNCN hiện nay có nhiều điểm không phù hợp như dư luận đã phản ánh. Điểm không phù hợp rõ nhất là luật thuế này được xây dựng dựa trên các chỉ tiêu kinh tế cách đây 4 năm. Tới nay các chỉ tiêu này đã thay đổi quá lớn, quá nhanh ngoài dự báo. Người nộp thuế đang gánh quá nhiều gánh nặng, vừa bị tăng giá “ăn” vào lương, vừa bị mất một phần thu nhập quan trọng từ việc đóng thuế TNCN. Cho nên, cần điều chỉnh các điểm không phù hợp ngay trong năm nay, không thể chờ đợi qua năm 2012. Bởi như vậy sẽ kéo dài thêm khó khăn cho người nộp thuế.
PGS - TS Sử Đình Thành - Trưởng khoa Tài chính nhà nước trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng Luật Thuế TNCN được áp dụng năm 2009 và có tầm quan trọng lớn. Sửa đổi Luật Thuế TNCN là điều cần thiết. Khi đã sửa luật thì những quy định đó mang tính dài hạn, chứ không nên có tình trạng vài năm lại sửa. Tuy nhiên tình hình hiện nay cần thiết phải có giải pháp tình thế. Chính phủ có thể trình lên Quốc hội giãn, giảm thuế TNCN. |
Theo ông Hùng, trong điều kiện lạm phát hiện nay, nếu siết quá sẽ dễ nảy sinh hệ lụy, đó là người nộp thuế tìm cách trốn, lách thuế. Khi đó, quản lý nhà nước về thuế sẽ phức tạp hơn nhiều, môi trường sống và kinh doanh rối loạn và các phát sinh không công bằng sẽ xảy ra. “Tôi cho rằng nguyên nhân chần chừ nằm ở chỗ thủ tục thay đổi luật phức tạp, khiến người làm luật không điều chỉnh kịp. Trong khi, thủ tục lại do chúng ta tạo ra”, ông Hùng nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, TS Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TP.HCM, Trưởng khoa Lịch sử - trường ĐH KHXH-NV TP.HCM khẳng định nên sửa luật càng sớm càng tốt, không lý do gì để đợi tới năm sau. Theo TS Sen, có lẽ vướng mắc trong không chỉnh sửa ngay Luật Thuế TNCN là ở trình độ kỹ thuật non trẻ của ngành thuế. Để hiện đại hóa, ngành thuế các nước trong khu vực đã phải thuê chuyên gia nước ngoài. Do vậy, ngành thuế cũng nên tính đến chuyện này để khỏi “choáng” trước các thay đổi về kỹ thuật.
“Đối với người thu nhập thấp hoặc người về hưu, 100.000 đồng đối với họ là cực kỳ giá trị. Mức chịu thuế thấp hiện nay đã ảnh hưởng tới đời sống toàn dân, không đủ để họ tái tạo sức lao động, ảnh hưởng đến chi phí giáo dục con cái. Đây là tác động nghiêm trọng nhất và mang tính dài lâu nhất. Việc điều chỉnh những bất hợp lý trong Luật Thuế TNCN đáng lý phải làm từ lâu chứ không để chậm chạp đến như vậy. Bởi lạm phát gia tăng, giá các mặt hàng cơ bản tăng mạnh thì đương nhiên nếu cứ giữ mức đánh thuế hiện tại người dân sẽ thiệt thòi lớn. Theo tôi, nguyện vọng của người dân là thay đổi luật thuế cho phù hợp thì nên làm ngay”, TS Sen bức xúc.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH Hà Nội, cho rằng việc không nhanh chóng tháo gỡ các khúc mắc trong Luật Thuế TNCN đã đi trái với tinh thần Nghị quyết 11, đó là bảo đảm an sinh xã hội. Theo TS Phong, người dân đang bị áp mức khởi điểm chịu thuế quá thấp, do vậy, đã ảnh hưởng tới cuộc sống của họ, đặc biệt những người làm công ăn lương. “Việc không quyết liệt tính chuyện điều chỉnh thuế TNCN ngay trong năm nay là chưa thấu nguyện vọng của dân. Trong khi điều kiện đã hoàn toàn chín muồi để thay đổi”, TS Phong nói.
Thanh Xuân - Trần Tâm
Bình luận (0)