Cần tăng giờ học về Hoàng Sa, Trường Sa

11/05/2012 03:27 GMT+7

Việc giáo dục cho thế hệ trẻ ý thức về chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lãnh hải... theo luật định là rất quan trọng.

Cần tăng giờ học về Hoàng Sa, Trường Sa 1
Học sinh cần phải biết rõ về chủ quyền biển, hải đảo của Việt Nam - Ảnh: Hoàng Long 

Tuy nhiên, trong nhà trường hiện nay, tài liệu, bài học về biển đảo còn rất hạn chế; trong dạy học về vấn đề chủ quyền trên biển nội dung tài liệu và cách tiếp cận bấy lâu nay của chúng ta còn nhiều bất cập mà điển hình là vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa.

Đành rằng trong các sách giáo khoa lịch sử, địa lý phổ thông đều có đề cập và khẳng định chủ quyền của nước ta về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng cũng chỉ dừng lại ở thông tin “Trường Sa và Hoàng Sa là 2 quần đảo lớn của nước ta ở ngoài khơi”, còn về địa lý và lịch sử còn ít được nói đến.

Để nắm được thực chất mức độ hiểu biết của học sinh về Hoàng Sa, chúng tôi đã thử đặt các câu hỏi khảo sát nhỏ cho các em lớp 12 như sau: “Chúng ta đang có những hoạt động kinh tế gì trên quần đảo Hoàng Sa?”. Với câu hỏi này, nhiều học sinh trả lời chúng ta đang khai thác thủy sản như: cá, tôm, làm muối và xây dựng cảng cá, nhà cửa, đường giao thông… trên quần đảo Hoàng Sa. Như vậy, các học sinh này đã không nắm được tình hình thực tế hiện nay ở Hoàng Sa. Với các học sinh có câu trả lời tương đối đáp ứng yêu cầu, chúng tôi tách riêng ra để nêu câu hỏi tiếp: “Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ bao giờ?”. Với câu hỏi thứ hai này, nhiều học sinh không trả lời được. 

Điều này cho thấy việc hiểu về chủ quyền và lịch sử lãnh thổ của học sinh còn rất hạn hẹp. Và ở đây mục tiêu dạy học cơ bản của lịch sử - địa lý là cho học sinh nắm được nét điển hình tiêu biểu của lãnh thổ thì chúng ta đã không đạt được. Điển hình ở đây là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng lại bị Trung Quốc chiếm giữ.

Tình hình địa chính trị trên thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi. Bộ Ngoại giao nước ta đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình về vấn đề Hoàng Sa: “Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của mình đối với quần đảo này”. Nhà nước ta cũng đã công bố nhiều tài liệu lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường sa… Quan điểm đó cần phải được cập nhật trong trường học để tăng cường sự hiểu biết của các thế hệ học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Nếu vì một lý do gì đó việc chỉnh lý sách giáo khoa chưa kịp, cần có công văn hướng dẫn, phát hành tài liệu lưu hành nội bộ, mở các buổi tập huấn, hội thảo về kiến thức biển, đảo; hướng dẫn giáo viên và học sinh khai thác trên mạng các thông tin cần thiết, chính thống về tình hình biển, đảo… Với quan điểm “chương trình là pháp lệnh” nên trước hết cần có văn bản bổ sung thay đổi phân phối chương trình trong đó nêu cụ thể tiết tăng thêm dạy học về biển, đảo, hay hướng dẫn ngoại khóa về biển, đảo để giáo viên có cơ sở pháp lý thực hiện.

Bộ GD-ĐT cho biết nội dung về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa từ cấp tiểu học đến cấp THPT. Cụ thể, cấp tiểu học chỉ đơn thuần là giới thiệu tên các quần đảo này trong hệ thống biển đảo của nước ta; đến lớp 8 (cấp THCS), phần nội dung kiến thức về tài nguyên biển, vị trí địa lý cũng đã đưa nội dung này vào sách giáo khoa địa lý; cấp THPT, các bài học về vị trí, tài nguyên biển, các miền, phần khai thác kinh tế biển... kiến thức địa lý tự nhiên về Hoàng Sa và Trường Sa được đưa vào sách giáo khoa địa lý của các lớp. Trong các bài về biển, đảo Việt Nam, nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước ta và địa phương nào quản lý cũng đã được giới thiệu.

Tuyết Mai

Đưa thêm tài liệu vào trường phổ thông

Cần tăng giờ học về Hoàng Sa, Trường Sa 2
Hải quân Việt Nam tuần tra ở Trường Sa - Ảnh: Đình Phú 

Bắt đầu từ năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT Khánh Hòa sẽ triển khai giảng dạy nội dung về chủ quyền Trường Sa cho học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó trưởng phòng Quản lý khoa học - công nghệ thông tin, thuộc Sở nói trên, chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập lịch sử Khánh Hòa ở trường phổ thông” cho biết những kiến thức về chủ quyền Trường Sa được biên soạn trong một số bài học lịch sử Khánh Hòa.

Ở cấp THCS, trong bài Kinh tế - xã hội Khánh Hòa (giai đoạn 1653-1858), có câu hỏi liên hệ cuối bài: “Hãy kể tên các huyện, thị, thành phố hiện nay ở Khánh Hòa?”, qua đó, các học sinh sẽ được biết huyện Trường Sa là một đơn vị hành chính của tỉnh... Ở cấp THPT, có chuyên đề: “Biển đảo Khánh Hòa - thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh”, có bài đọc thêm “Hoàng Sa và Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng không tách rời của Tổ quốc Việt Nam”… Các nội dung trên được giảng dạy trong các tiết nội khóa. Kiến thức Trường Sa còn được thiết kế giảng dạy ngoại khóa. Nội dung ngoại khóa bao gồm kiến thức tổng thể như: tầm quan trọng của biển, đảo, lịch sử, chủ quyền Trường Sa, một số hình ảnh về Trường Sa hôm nay và trách nhiệm thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chương trình ngoại khóa cũng là chương trình bắt buộc. Sở còn khuyến khích các trường tổ chức cho giáo viên, học sinh đi thăm huyện Trường Sa.

Sở GD-ĐT Khánh Hòa hiện đang xúc tiến xuất bản tài liệu lịch sử địa phương bằng nguồn kinh phí của ngành. Ngoài ra, các lược đồ, hình ảnh, tư liệu… liên quan đến chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng được sưu tầm để góp phần giúp cho học sinh hiểu biết thêm về hai quần đảo ấy của Tổ quốc. Trong hè 2012, Sở tiếp tục tập huấn cho giáo viên phổ thông về nội dung và phương pháp giảng dạy lịch sử địa phương Khánh Hòa, đặc biệt chú ý về giảng dạy nội khóa và ngoại khóa về lịch sử Trường Sa.

Tại Đà Nẵng, chương trình dạy về Hoàng Sa cũng đã được đưa vào trong tiết học về địa lý, lịch sử địa phương cho học sinh THCS và THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT trong năm học 2011-2012. Theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, hiện các tiết học đều được dạy về vị trí địa lý theo những văn bản chính thức của Chính phủ ban hành. Còn tài liệu chính thức sử dụng cho những tiết học về Hoàng Sa vẫn đang được Sở nghiên cứu, biên soạn. Sau khi tài liệu này được xét duyệt, sẽ đưa vào dạy đại trà cho học sinh. Trong thời gian qua, thông qua những tiết học ngoại khóa, học sinh các cấp của Đà Nẵng có nhiều cơ hội tìm hiểu về biển đảo, trong đó có những nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa.

Nguyễn Chung - Diệu Hiền

Vũ Quốc Lịch
(Giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam)

>> Giúp đỡ để ổn định cuộc sống cho các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ
>> Bắc Kinh “lấy thịt đè người” trong tranh chấp biển Đông
>> Một ngày trên tàu cảnh sát biển
>> Cùng ngư dân bám biển
>> Trung Quốc và những cáo buộc gây rối trên biển
>> Tuổi trẻ giữ biển
>> Điểm tựa giữa biển Việt Nam
>> Lính... phòng không

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.